Các thành phố ứng dụng công nghệ để chống lại biến đổi khí hậu như thế nào?

Admin
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Vì vậy, các chính phủ và tổ chức trên thế giới đang chung tay hành động để chố

Năm 2021, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác đã công bố hàng loạt báo cáo cho thấy, biến đổi khí hậu (BĐKH) do con người gây ra không chỉ là một mối đe dọa cấp bách mà còn là vấn đề hiện hữu đối với mọi sự sống trên Trái đất. Các nhà khoa học cho biết, tốc độ BĐKH đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn BĐKH nào trong lịch sử trái đất. 

Từ năm 2015, nhiệt độ toàn cầu đã ấm lên trung bình 1o C, làm gia tăng tần suất các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người, cũng như các cơn bão nhiệt đới. Hiện, có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và chống chọi yếu hơn trước tác động của BĐKH.

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các thành phố chiếm đến 66% nhu cầu năng lượng toàn cầu và là tác nhân của 75% lượng khí thải CO2 mỗi năm. Điều này có nghĩa là những giải pháp mà các thành phố triển khai để hạn chế tác động đến môi trường sẽ mang lại lợi ích đáng kể - và trong thế giới số mà tất cả chúng ta đang sống hiện nay, công nghệ đóng một vai trò quan trọng.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét ba trong số những ứng dụng công nghệ sáng tạo nhất trong việc giảm lượng khí thải, mang đến cuộc sống xanh hơn và bền vững hơn cho môi trường đô thị.

Bản đồ hệ thống cây xanh đường phố của thành phố New York

Lợi ích trực tiếp của việc giảm phát thải carbon là rất quan trọng, nhưng đôi khi việc thu hút mọi người quan tâm đến tính bền vững và khuyến khích họ áp dụng các cách sống thân thiện với môi trường hơn cũng mang lại nhiều lợi ích. Đây là những gì thành phố New York đã làm được với bản đồ hệ thống cây xanh đường phố trực tuyến. 

Bản đồ cung cấp thông tin chi tiết và chính xác nhất về cây cối của thành phố và được điều hành bởi Công viên NYC. Tại thời điểm viết bài, thông tin của gần 690.000 cây đã được bổ sung vào bản đồ. Mỗi cây đều có mục nhập riêng trên bản đồ và dữ liệu riêng về ngăn chặn nước mưa, bảo tồn năng lượng, giảm CO2 và chất ô nhiễm.

Tất cả dữ liệu này được đưa vào tính toán để đưa ra mức cắt giảm tổng thể trên toàn thành phố, cả ở cấp độ sinh thái và tài chính, được tính toán bằng các công thức của Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ. Người ta ước tính rằng các cây xanh của Thành phố New York đang tiết kiệm khoảng 650.000 kWh năng lượng/năm. Chúng cũng giúp cắt giảm hơn 1,1 tỷ tấn CO2và tiết kiệm số tiền hơn 100 triệu USD.

Copenhagen hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào đầu năm 2025

Đan Mạch được biết đến như một đất nước xinh đẹp, có môi trường trong lành, tự nhiên. Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đang thúc đẩy đẩy điều đó tiến xa hơn nữa. Copenhagen đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào đầu năm 2025. Tham vọng này đang được chính quyền thành phố theo đuổi thông qua việc triển khai nhiều sáng kiến khác nhau, đặc biệt là sự nhiệt tình tham gia của người dân Đan Mạch trong việc lựa chọn xe đạp để di chuyển quanh thành phố.

Khác với Rome hay Madrid (Thủ đô của Italia và Tây Ban Nha) với những tòa nhà theo lối kiến trúc tân phục hưng tinh xảo, Copenhagen mang tới cảm giác về một đô thị mới với nhiều công trình xây dựng bằng kính chịu lực. Là thành phố có cuộc sống hiện đại, hệ thống giao thông đa dạng nhưng phần lớn người dân Copenhagen lại chọn xe đạp làm phương tiện đi lại hằng ngày. Với phương tiện "xanh", gọn nhẹ này bạn có thể dễ dàng đi lại, chiêm ngưỡng những khung cảnh yên bình dọc các con kênh, trong công viên hoặc ghé vào những tiệm cà phê, quán ăn nhỏ hai bên đường.

Giải quyết nhu cầu năng lượng của thành phố cũng là một phần quan trọng trong chiến lược của chính quyền thành phố với dự án nhà máy điện Amager Bakke. Đây là một nhà máy chuyển đổi chất thải thành năng lượng rộng 41.000 m2 với một trung tâm giải trí đô thị và trung tâm giáo dục môi trường, biến cơ sở hạ tầng xã hội thành một điểm nhấn kiến trúc.

Được đưa vào vận hành từ năm 2017, nhà máy được thiết kế để chuyển chất thải của hơn nửa triệu người dân và 46.000 doanh nghiệp thành năng lượng, cung cấp nhiệt và năng lượng tái tạo sạch hơn.

Bãi đậu xe thông minh hơn ở Frankfurt

Để đối phó với tác động của BĐKH, chính quyền thành phố Frankfurt, Đức, đã và đang khám phá những cách thức mới để đầu tư vào các phương tiện di chuyển thông minh và vận hành hệ thống đường bộ cũng như các dịch vụ liên quan của họ hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm thời gian cho người dân và giảm lượng khí thải carbon.

Thành phố đã triển khai các công cụ dữ liệu trực quan thông minh của Cyclomedia để khám phá thông tin chi tiết về cách thức vận hành các nhà máy khác nhau và những thay đổi có thể thực hiện để khuyến khích các hành vi xanh hơn.

Cũng như sử dụng dữ liệu trực quan để quản lý giao thông trên 2.300 km đường, Frankfurt đã sử dụng thông tin này một cách hiệu quả thông qua một cách tiếp cận sáng tạo hơn để quản lý bãi đậu xe. Nhờ việc phân tích dữ liệu chi tiết về các khu vực đỗ xe miễn phí, nơi bãi đỗ xe có giá rẻ hoặc áp dụng các hạn chế đặc biệt (ví dụ: khu vực chỉ dành cho người dân), thành phố có thể điều chỉnh các chính sách để di chuyển các đỗ xe ra khỏi thành phố. 

Kết quả là việc xây dựng các khu vực đậu xe rẻ hơn bên ngoài những khu vực trung tâm, dẫn đến sự gia tăng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi vào thành phố. Những thay đổi này giúp làm cho thành phố xanh hơn và giảm lưu lượng giao thông trong thành phố, đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon./.

Phạm Tài (Theo: cities-today, iea)