Hà Nội: Cần nâng cao kiến thức chuyển đổi số cho nông dân

Admin
Tại buổi đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở phối hợp chặt chẽ giúp

 Những vướng mắc trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn TP.

Trong đó, qua nhiều lần lãnh đạo TP đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề cốt lõi hoặc còn khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: Nguồn lực đầu tư; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; các nguồn vốn, quỹ phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nông dân; quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp…. đã được Thành ủy, UBND TP và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết, tạo sự biến chuyển tích cực, được các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là nông dân Thủ đô ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của cấp ủy Đảng, chính quyền.

nong dan ha noi

 

 

Thành ủy đã xây dựng và ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025"; hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa "tam nông" - nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với những giải pháp kỳ vọng phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, mang bản sắc riêng của Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách “tam nông” trên địa bàn TP còn có những khó khăn, hạn chế; nhất là vấn đề sản xuất manh mún; thương hiệu sản phẩm chủ lực với năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao còn mờ nhạt; đất nông nghiệp không được canh tác có xu hướng ra tăng; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều.

Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn được đầu tư chưa đồng bộ theo hướng tiệm cận đô thị. Đời sống một bộ phận nông dân còn gặp khó khăn, vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập của người nông dân, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 còn hạn chế.

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp và đầu tư vào khu vực nông thôn còn bất cập, chưa khả thi, chưa hiệu quả. Công tác hội và phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, chưa khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Vận động nông dân liên kết, cùng phát triển

Trước vấn đề trên, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao...

Đồng chí cũng đề nghị vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

nong dan ha noi1

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng 

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy yêu cầu xuất phát từ hoạt động thực tiễn phong trào, nắm bắt nguyện vọng của nông dân nói chung về phát triển nông nghiệp, nông thôn, những kiến nghị của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; các cấp Hội Nông dân thành phố cần nghiên cứu, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, các ngành, chính quyền thành phố hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2023 tới đây là năm diễn ra Đại hội Hội Nông dân các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, đòi hỏi các cấp Hội Nông dân thành phố phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung, phương thức hoạt động. Đồng chí chỉ đạo Hội Nông dân thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo Đại hội Hội Nông dân các cấp của thành phố bảo đảm mục đích, yêu cầu, tiến độ quy định.  

Nông dân cần được hỗ trợ chuyển đổi số

Tại buổi đối thoại, nông dân Thủ đô cũng đã bày tỏ nhiều nguyện vọng. Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) đã bày tỏ mong muốn có cơ hội được tiếp cận, học tập, nâng cao hiểu biết kiến thức và kỹ năng tổ chức sản xuất, quản trị kinh doanh, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả.

“Chúng tôi đề nghị TP quan tâm chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, tạo điều kiện đưa nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đi học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước” - ông Nguyễn Trọng Long chia sẻ.

Bà Vũ Thị Bích Hoàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) chia sẻ, để thực hiện tốt chủ trương của TP về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đề nghị TP tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân tham gia các hoạt động thông tin tuyên truyền, và triển khai đề án xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân.

 

Theo SHTT