Hoa Kỳ: AI không thể đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình

Admin
Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ khẳng định trí tuệ nhân tạo (AI) không thể đăng ký bản quyền cho một tác phẩm nghệ thuật, bởi không có bất kỳ sản phẩm nào do AI tạo ra đáp ứng được “quyền tác gi

Trong một phán quyết gần đây, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ (USCO) một lần nữa từ chối yêu cầu cấp quyền tác giả cho một tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra. Cơ quan này đã thành lập một hội đồng gồm ba thành viên nhằm xem xét khiếu nại của tiến sĩ Stephen Thaler về phán quyết năm 2019 của văn phòng. 

Tháng 11/2018, Thaler lần đầu tiên nộp đơn xin cấp bản quyền cho bức ảnh do một chương trình AI có tên Creativity Machine của ông tạo ra. Tuy nhiên, yêu cầu đã bị chuyên gia xét duyệt của Văn phòng Bản quyền từ chối vào 8/2019 với lý do hình ảnh do thuật toán tạo ra “thiếu quyền tác giả của con người” – một tiêu chuẩn cần thiết để đăng ký cũng như bảo vệ bản quyền.

ban quyen

Tác phẩm có tên “Lối vào Thiên đường gần đây” được sáng tạo bởi AI của Stephen Thaler, đã bị Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ từ chối bảo hộ bản quyền.  

Tiến sĩ Thaler là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Imagination Engines, Inc, và là một trong người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tác phẩm được đề cập có tên “Lối vào Thiên đường gần đây” là mô tả của hệ thống về “trải nghiệm cận tử”, trong đó có một vòm đường sắt bị bỏ hoang đầy lá xen kẽ với những gợn sóng màu tím và một câu chuyện kể đi kèm.

Cả trong quyết định năm 2019 và quyết định mới đây, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ đều từ chối đăng ký tác phẩm với lý do nó thiếu “quyền tác giả của con người cần thiết để hỗ trợ khiếu nại về bản quyền”, đồng thời đưa ra lập luận rằng Tiến sĩ Thaler đã “không cung cấp bằng chứng đầy đủ về đầu vào hoặc sự can thiệp của tác giả là con người trong quá trình sáng tạo tác phẩm".

Theo cơ quan này, Luật bản quyền Hoa Kỳ hiện hành chỉ đưa ra các biện pháp bảo vệ “thành quả của lao động trí óc” “được tạo ra từ sức mạnh sáng tạo của trí óc [con người]”. Trong kháng cáo gần đây nhất của mình, Thaler cho rằng yêu cầu quyền tác giả chỉ dành cho “con người” này là vi hiến, nhưng quan điểm của USCO vẫn là kiên quyết không “rời bỏ Đạo luật bản quyền” truyền thống.

Ryan Abbott, luật sư của Thaler, trao đổi với Artnet News rằng họ không đồng ý với Quyết định của Văn phòng Bản quyền và có kế hoạch kháng cáo… “AI có thể tạo ra sản phẩm sáng tạo ngay cả khi không có tác giả là con người và việc bảo vệ  bản quyền của các tác phẩm do AI tạo ra là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sản xuất nội dung có giá trị xã hội. Việc cung cấp biện pháp bảo vệ này là bắt buộc theo các khuôn khổ pháp lý hiện hành".

Abbott mô tả nỗ lực của Thaler là “một dự án học thuật” được tạo ra nhằm mục đích kiểm tra các tiêu chuẩn bản quyền. Trước đây, ông đã xin cấp bằng sáng chế cho trí tuệ nhân tạo ở nhiều quốc gia. Song Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Vương quốc Anh và Văn phòng Sáng chế Châu Âu đều từ chối công nhận AI là nhà phát minh ra sản phẩm.

Được biết, Luật bản quyền của Hoa Kỳ không vạch ra rõ ràng các quy tắc dành cho các đối tượng không phải là con người, nhưng một số tiền lệ đã khiến các tòa án nhất quán trong việc quyết định chủ thể sáng tạo “không phải con người sẽ không có đủ điều kiện để được bảo vệ bản quyền”.

Trường hợp của Creative Machine có điểm tương đồng với trường hợp của Naruto, một chú khỉ đã tự chụp lại mình bằng máy ảnh của nhiếp ảnh gia người Anh David Slater mà không thông qua giám sát của anh vào năm 2011.

Vào năm 2018, một người vô cùng yêu quý động vật quyết định thay mặt chú khỉ khởi kiện vi phạm bản quyền nhưng đã thất bại sau khi Tòa phúc thẩm số 9 Hoa Kỳ ra phán quyết rằng luật bản quyền chỉ có hiệu lực khi tác giả là con người.

Khác với Mỹ, tháng 10/2021, Chính phủ Vương quốc Anh lại đã mở cuộc tham vấn liên quan tới bản quyền và bằng sáng chế, trong đó bàn luận về việc nên bảo vệ các phát minh và tác phẩm sáng tạo do AI thực hiện ở mức độ nào. Đặc biệt, các luật định trong tương lai cần khuyến khích việc sử dụng AI vì lợi ích cộng đồng cũng như thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới của con người.

AI ngày càng được sử dụng để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ và kỳ ảo, đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu và tính xác thực của các tác phẩm.

“Nghệ sĩ nhân tạo” Botto dưới sự hỗ trợ của nghệ sĩ người Đức Mario Klingemann đã tạo ra bốn tác phẩm nghệ thuật được bán với giá tổng cộng 1,1 triệu USD vào tháng 11/2021.

Mario chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển đủ để Botto có thể tự làm mọi việc và khi đó, nó có thể không cần đến tôi nữa."

Tương tự, Google đã gây chú ý trên khắp thế giới vào năm 2015 khi giới thiệu DeepDream, một công cụ trực quan hóa mạng thần kinh tạo ra những hình ảnh giống như ảo giác dựa trên những bức ảnh thông thường.

Ngọc Đỗ

Theo Sở hữu trí tuệ