Khoa học công nghệ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển

Admin
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố k

Ngày 3/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã mượn hình ảnh, câu chuyện về trái quýt Unshu của Nhật Bản để khẳng định yếu tố khoa học công nghệ đã tạo ra sức sống mới cho khu vực nông thôn.

“5 năm tới, đất đai cho nông nghiệp sẽ bị thu hẹp để dành quỹ đất, tài nguyên phục vụ cho ngành công nghiệp và hạ tầng của những loại hình dịch vụ, kinh tế khác. Năng suất của các sản phẩm nông nghiệp rồi sẽ đến giới hạn. Nếu không thể gia tăng năng suất, sản lượng, không còn cách nào khác ngoài nâng cao giá trị nông sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

khoa hoc cong nghe nong nghiep

Khoa học công nghệ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển 

 

Do đó, "tư lệnh" ngành nông nghiệp đề nghị các nghiên cứu khoa học phục vụ cho xây dựng NTM trong giai đoạn tới phải song hành cùng Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để chuyển hóa tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

“Mỗi một đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng NTM không chỉ tập trung vào yếu tố kỹ thuật, mà cần phải gia tăng hàm lượng tri thức đi cùng với yếu tố kinh tế nông nghiệp, yếu tố thị trường nhằm tối ưu giá trị nông sản, giảm giá thành sản xuất cũng như chi phí vật tư đầu vào…”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý.

Được biết, trong Chương trình Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2 (2016 đến 30/6/2022), cả nước xây dựng, tuyển chọn 84 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là chương trình đặc thù, có mục tiêu, nội dung bao trùm hầu hết lĩnh vực phát triển nông thôn, thuộc nhiều chuyên ngành khoa học công nghệ, phạm vi nghiên cứu trải rộng trên địa bàn nông thôn toàn quốc, tác động đến nhiều đối tượng mà trung tâm là nông dân... Qua đó, góp phần kết nối chặt chẽ nguồn lực giữa các ngành khoa học, giữa lý luận với thực tiễn, giữa nghiên cứu và chuyển giao, giữa nghiên cứu đón đầu và phục vụ kịp thời nhu cầu trước mắt, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng NTM.

Chương trình đã đề xuất được các giải pháp KHCN tổng hợp, đặc thù, phục vụ tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Trong đó đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn…

Thông qua việc hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ, cung cấp trang thiết bị trong các mô hình có hiệu quả cao, Chương trình đã tác động trực tiếp đến các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân; chuyển đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất; khả năng tiếp nhận và nhân rộng hiệu quả các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp.

Có thể nói, khoa học và công nghệ được coi là “xương sống” và đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp vô cùng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cũng khẳng định, trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố khoa học công nghệ. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế của Chương trình như nội dung một số đề tài, dự án còn tản mạn; chưa tập trung nhiều vào các trọng tâm cấp bách xây dựng NTM; một số vấn đề quan trọng trong khung nội dung Chương trình có số lượng nhiệm vụ nghiên cứu còn hạn chế, thậm chí nội dung về tích tụ ruộng đất còn chưa có; rất ít đề tài nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở các vùng NTM…

Trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vẫn sẽ là trọng tâm, KHCN tiếp tục là trụ cột quan trọng để đưa Chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, chất lượng; đồng thời cũng là nền tảng duy trì bền vững và nâng cấp những thành tựu trong xây dựng NTM lên tầm cao mới.

Theo SHTT/ Hà Trang