Lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh

Admin
Đến tháng 5-2022 đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và gần 60 trường đào tạo học phần TMĐT.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử chuyên nghiệp, chất lượng cao là các trường đại học. \

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch VECOM cho biết, việc nắm bắt chính xác hiện trạng đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) tại các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường Đại học, có ý nghĩa quan trọng khi triển khai hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, từ tháng 3 tới 5-2022, VECOM đã tiến hành khảo sát 132 trường đại học trên cả nước nhằm thu thập thông tin toàn diện hoạt động đào tạo TMĐT tại các trường.

 

Ông Trần Văn Trọng – Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT đã chia sẻ những nội dung nổi bật của báo cáo Đào tạo thương mại điện tử năm 2022. Theo đó, kết quả khảo sát nổi bật nhất là tới tháng 5 năm 2022 đã có 36 trường đào tạo thương mại điện tử trình độ đại học, trong đó 14 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 17 trường ở miền Nam. Đồng thời có 36 trường đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử và trên 50 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Tính chung đã có trên 110 trường giảng dạy thương mại điện tử từ mức học phần tới ngành đào tạo.

Phần lớn các trường bắt đầu đào tạo ngành này trong giai đoạn 2016 – 2020. Hiện nay nhiều trường cho biết đã có kế hoạch đào tạo ngành hoặc chuyên ngành thương mại điện tử. Mục tiêu đào tạo là cử nhân sau khi tốt nghiệp có thể chủ trì hoặc tham gia quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh số, số hoá các tài nguyên, tiến hành kinh doanh trên các nền tảng số, trang thông tin điện tử hay ứng dụng di động, tổ chức bán hàng đa kênh. Những cử nhân này cũng có khả năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ kinh doanh trực tuyến, bao gồm tiếp thị số, thanh toán trực tuyến và quản lý chuỗi cung ứng, v.v… Mục tiêu đào tạo cử nhân thương mại điện tử khác biệt rõ ràng với mục tiêu đào tạo cử nhân công nghệ thông tin. Do đó, hầu hết các trường đã giao cho khoa kinh tế, quản trị kinh doanh hay hệ thống thông tin quản lý đào tạo cử nhân thương mại điện tử.

Việc tuyển sinh thuận lợi do ngành mới này hấp dẫn, thu hút được sinh viên đầu vào chất lượng khá với điểm chuẩn tuyển sinh tương đối cao. Nhiều sinh viên tìm được việc làm khi chưa tốt nghiệp và phần lớn sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo sau khi ra trường.

Tuy nhiên, phần lớn các trường gặp khó khăn khi biên soạn giáo trình và học liệu học tập. Đội ngũ giảng viên còn chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhu cầu học cử nhân ngành thương mại điện tử tăng nhanh nhưng nhiều trường chưa thể tăng chỉ tiêu đào tạo. Hoạt động đào tạo gắn với thực tiễn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc hỗ trợ sinh viên có được vị trí thực tập phù hợp tại các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu. Hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập diễn ra đơn lẻ tại từng trường, chưa có những hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên ngành thương mại điện tử trên phạm vi cả nước, ông Trần Văn Trọng chia sẻ thêm.

Từ năm 2015, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã dự đoán giai đoạn 10 năm 2016 – 2025 thương mại điện tử nước ta sẽ bước vào giai đoạn phát triển nhanh và ổn định. Trên thực tế nửa đầu của giai đoạn đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của lĩnh vực này. Trong hai năm 2020 – 2021 nước ta trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong bốn năm 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực rất cao của lĩnh vực TMĐT giai đoạn đến năm 2025 và xa hơn nữa, VECOM kiến nghị cần khảo sát định kỳ tình hình đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp và xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT. Đặc biệt, cần bồi dưỡng giảng viên TMĐT; tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo thương mại điện tử. Bên cạnh đó cần đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần TMĐT; tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên thương mại điện tử. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành TMĐT; chú trọng hơn tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành TMĐT...

Một số đề xuất này đã được các trường ủng hộ mạnh mẽ. Tháng 8/2022 đã có 28 trường đào tạo ngành thương mại điện tử đã cùng VECOM thành lập Mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo thương mại điện tử. Các thành viên sáng lập Mạng lưới đang tích cực tổ chức hội thảo khoa học lần đầu tiên chuyên sâu về đào tạo thương mại điện tử vào ngày 07/9/2022 tại Hà Nội và ngày 09/9/2022 tại Tp. Hồ Chí Minh.