Phát triển ĐTTM tại Bình Phước: xu thế tất yếu trong hội nhập và phát triển

Admin
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh việc triển khai xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) tại tỉnh Bình Phước là rất cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển.

Ngay từ khi xây dựng tài liệu về Kiến trúc ICT phát triển địa phương thông minh, tỉnh Bình Phước đã xác định việc xây dựng ĐTTM chính là cơ hội để tỉnh tận dụng khoa học công nghệ, không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế bền vững. ĐTTM với một hạ tầng dùng chung có thể được tận dụng tối đa giữa các lĩnh vực, cho phép chia sẻ đầy đủ về thông tin dữ liệu giữa các ngành, giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu phát triển của tỉnh.

Về phát triển kinh tế, ĐTTM sẽ tạo động lực phát triển những lĩnh vực kinh tế theo định hướng phát triển xanh, phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp của tỉnh Bình Phước, đảm bảo kiểm soát tốt môi trường, khai thác tài nguyên một cách hiệu quả và đẩy mạnh công nghiệp có hàm lượng chất xám cao ở tỉnh, hướng đến nền kinh tế tri thức.

ĐTTM cũng sẽ đẩy mạnh sự liên kết khu vực và quốc tế, khuyến khích sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp làm cho nền kinh tế của tỉnh năng động và sáng tạo, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, phát triển theo hướng chuyển dịch mạnh sang cơ cấu dịch vụ và hội nhập.

Về công tác quản trị, ĐTTM cho phép chính quyền có thể vận hành và giám sát các hệ thống cơ sở hạ tầng một cách thông minh nhất thông qua hệ thống quản lý giám sát tự động. Các hệ thống giao thông, môi trường, thu gom rác thải, điện nước đều được quản lý vận hành và giám sát tập trung.

Bình Phước là một trong 19 tỉnh thành được Bộ TT&TT cho phép thí điểm ĐTTM

Xác định chiến lược cần thiết phải xây dựng ĐTTM, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operations Center) đã được tỉnh Bình Phước xây dựng và đưa vào hoạt động từ hai năm nay. Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị thuộc nhiều lĩnh vực, qua đó giúp các nhà lãnh đạo đô thị giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ đô thị một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định.

Phát triển ĐTTM tại Bình Phước là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển - Ảnh 1.

IOC đã được tỉnh Bình Phước xây dựng và đưa vào hoạt động từ hai năm nay.

IOC tỉnh đặt tại trụ sở Văn phòng UBND tỉnh nhằm thuận tiện cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh. Sự ra đời của Trung tâm là bước đột phá, tạo dựng được nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) tốt hơn, thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên mọi phương diện, lấy phát triển CQĐT làm trung tâm.

Nhằm giải quyết bài toán những hạn chế, bất cập trong việc xử lý nhanh, hiệu quả từ các đường dây nóng, hình ảnh camera giám sát giao thông và an ninh không được kết nối; những tổng đài 113, 114, 115 còn riêng biệt; dữ liệu của các ngành, địa phương bị phân tán, chưa được khai thác sử dụng hiệu quả… đòi hỏi phải có trung tâm giám sát, điều hành đô thị mang tính tập trung để quản lý đồng bộ và toàn diện. IOC tỉnh đã ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tập trung để thay đổi cách thức quản lý, giám sát điều hành của các cấp, các ngành thuộc tỉnh".

Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT đã xác nhận IOC tỉnh Bình Phước đáp ứng các yêu cầu chức năng của hệ thống theo hướng dẫn của Bộ. Hiệu quả mang lại của Trung tâm sẽ cao hơn nhờ vào sự tích hợp và tương tác từ nhiều thành phần, sự thống nhất các nguồn lực khi xây dựng các thành phần ĐTTM. Ngay từ năm 2020, Bình Phước đã là một trong 19 tỉnh thành được Bộ cho phép triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM.

Xây dựng ĐTTM là quá trình lâu dài, cần sự đồng lòng của cả người dân và DN

Trong cuộc họp xem xét Đề án xây dựng ĐTTM tại tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đã nhấn mạnh việc triển khai xây dựng Đề án phát triển ĐTTM tại tỉnh Bình Phước là rất cần thiết, xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển.

Thành phố Đồng Xoài - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh của tỉnh Bình Phước - hiện đang triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để hướng đến một thành phố thông minh trong tương lai không xa.

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, Đồng Xoài đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 19/4/2022 về chuyển đổi số (CĐS), xây dựng địa phương thông minh năm 2022. Theo đó, thành phố giữ vững quan điểm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặt người dân là nhân tố trung tâm, người dân sẽ từng bước đồng hành với chính quyền.

Kế hoạch đã đề ra các mục tiêu cụ thể như tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt từ 90%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt đối với TTHC tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thành phố đạt 100%.

100% người dân trên địa bàn các phường-xã được tuyên truyền về các chủ trương chính sách về CĐS, các chương trình thanh toán không dùng tiền mặt. Các hộ kinh doanh cá thể, các DN nhỏ và vừa được tiếp cận chương trình hỗ trợ DN CĐS.

Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài, ông Nguyễn Minh Bình, cho biết năm 2025, thành phố xác định phát triển thông minh hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố Đồng Xoài nằm trong vùng tam giác phát triển Đồng Xoài - Đồng Phú - Chơn Thành, là cửa ngõ giao thông kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh - Tây Nguyên - Campuchia.

Phát triển ĐTTM tại Bình Phước là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển - Ảnh 2.

Thành phố Đồng Xoài xác định phát triển thông minh hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững

Nói về việc xây dựng ĐTTM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh lưu ý đây là quá trình lâu dài, với khối lượng công việc lớn, cần có sự đồng lòng, chung tay vào cuộc của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương với nhau để hình thành sự kết nối liên thông, tạo nên một khối thống nhất, không thể tách rời. Việc xây dựng có hiệu quả hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp, sự tham gia của các nhóm chuyên gia và cán bộ chuyên ngành, sự tham gia tích cực của người dân và DN./.

Theo ICTVietnam.vn