Sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số - Cơ hội cho Việt Nam

Nằm trong chuỗi các sự kiện hướng về Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Hội thảo “Sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số-Cơ hội cho Việt Nam” đã diễn ra.

Hội thảo “Sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số-Cơ hội cho Việt Nam” đã diễn ra dưới sự phối hợp của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với mục tiêu làm rõ thêm vai trò, giá trị của sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tận dụng tốt nguồn lực tri thức trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước nhằm giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng công nghệ chuyển đổi số trên thế giới, đặc biệt là việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ chiến lược để khơi thông năng lực nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số quốc gia.

Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý, đặc biệt là vai trò xung kích của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Trọng Hải, Nhà sáng lập Hspace đã chỉ ra những tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế và ảnh hưởng của bối cảnh bình thường mới lên chuyển đổi số. Theo đó, theo số liệu từ công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, 80% khách hàng chuyển sang các kênh mua sắm online trong và sau đại dịch. Các doanh nghiệp cũng phải tận dụng chuyển đổi số để thay đổi các phương thức tiếp cận khách hàng và quản lý sản phẩm.

Sở hữu trí tuệ và các công nghệ chuyển đổi số - Cơ hội cho Việt Nam

 

Bàn luận về xu hướng công nghệ hiện nay, TS. Tràng Nguyễn, CEO của HUEPRESS JSC, cho rằng, các hoạt động đầu tư cho công nghệ cần diễn ra thường xuyên và rộng rãi hơn, đồng thời kết hợp đa dạng theo mô hình nước ngoài. TS. Tràng Nguyễn nhấn mạnh, khởi nghiệp công nghệ cần tự tạo ra khác biệt trong công nghệ, sản phẩm, và phân khúc thị trường. Để bắt kịp với xu hướng thế giới, chúng ta cần học hỏi mô hình đầu tư và hỗ trợ quốc tế hoá sáng chế từ những quốc gia phát triển như Hàn Quốc và Vương Quốc Anh.

Theo TS. David Ngô, Chủ tịch Công ty Cổ phần IPGROUP cho biết: Hiện nay, Việt Nam có trình độ học vấn cơ bản tốt ở các cấp học, nhưng chỉ có 8% lực lượng lao động đã tốt nghiệp đại học. “Các kỹ năng và năng lực kỹ thuật số trong lực lượng lao động sẽ cần tăng lên để Việt Nam chuyển đổi sang một nền kinh tế dựa trên tri thức và phát triển hơn. Bản tham luận kết thúc với nhiều đề xuất gợi mở và thiết thực, trong đó có khuyến khích khởi nghiệp, cải cách chuyển đổi số quy mô địa phương, và thoả thuận với các công ti quốc tế về đào tạo và chuyển giao công nghệ”, TS. David Ngô chia sẻ.

Bên cạnh chủ đề công nghệ chuyển đổi số, một chủ đề được các diễn giả thảo luận và trao đổi trong buổi hội thảo là quyền sở hữu trí tuệ bởi đây là chìa khoá giúp doanh nghiệp phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận.

Theo các diễn giả, chuyển đổi số và kinh tế tri thức - tài sản vô hình, là tri thức và được coi như một loại hàng hoá đặc biệt. Sở hữu trí tuệ cần được đưa vào triển khai ứng dụng trong thực tế như một công cụ hữu hiệu thúc đẩy và là chìa khoá khơi thông hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với thương mại, kinh doanh trên nền tảng số nói riêng.

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, viện, trường, doanh nghiệp cần quản trị hoạt động sở hữu trí tuệ hiệu quả để phát triển bền vững, chủ động quyền sở hữu trí tuệ để chuyển đổi số thành công. Chiến lược sở hữu trí tuệ với các chiến lược khác của viện, trường, doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết không tách rời, bởi hoạt động này nhằm phát triển giá trị gia tăng và đảm bảo lợi nhuận thông qua việc sáng tạo, bảo hộ và sử dụng tài sản trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ để xây dựng hoạt động kinh doanh chứ không phải chỉ là việc tạo ra được các quyền sở hữu trí tuệ như là mục đích cuối cùng của doanh nghiệp. Các công nghệ số được tạo ra dựa trên quyền sở hữu trí tuệ, được bảo hộ, khai thác và bảo vệ hiệu quả cho việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ.

Với việc đầu tư công nghệ, các chuyên gia cho rằng cần được triển khai sớm, đi tắt đón đầu, trước khi công nghệ đã rõ ràng. Nhà nước cần có “cách mạng” về chính sách, còn doanh nghiệp khởi nghiệp cần tạo được “cách mạng” về công nghệ. 

Hà Trang

 Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

 

 

 

 

 

 

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/so-huu-tri-tue-va-cac-cong-nghe-chuyen-doi-so-co-hoi-cho-viet-nam-a402882.html