AI và những mặt tối trong cuộc cách mạng công nghệ

Hiện nay, AI đang là tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu và đang được chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “AI và con người: Những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ” các chuyên gia nhận định, trên thực tế, Việt Nam đang đối diện với những khó khăn nhất định.

Theo ông Ngô Tự Lập, AI có thể khoét sâu thêm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các dân tộc.

AI đang khiến chúng ta ngày càng lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và cao hơn là quyền tự do cá nhân. Sự an toàn thông tin là một vấn đề lớn không chỉ của các cá nhân, mà còn của tất cả các công ty, tổ chức và thậm chí là của các quốc gia.

Nguy hiểm hơn, những cũng khó nhận thấy hơn, AI đang len lỏi vào mọi hoạt động sống của con người, làm thay đổi hành vi và chính bản thân con người. Rất gần đây, trên thế giới đang bùng lên cuộc tranh cãi về những thuật toán mà các mạng xã hội sử dụng để định hướng hành vi người dùng, biến họ trở thành những con nghiện, hay thậm chí là thành nô lệ công nghệ.

Trong quá khứ, chúng ta vẫn nghĩ về công nghệ như là một thứ công cụ được tạo ra để phục vụ con người. Nhưng nếu không được không sử dụng một cách thông minh, công nghệ sẽ trở thành loại vũ khí gây cho con người những tác động tồi tệ mà chúng ta không lường hết được.

“Sự phát triển của AI còn đặt ra vấn đề đạo đức, khi mỗi bước tiến của nó đều thúc đẩy nguy cơ xóa nhòa ranh giới giữa robot và con người. Robot ngày một thông minh hơn, nhưng khác với con người, nó không bị giới hạn bởi những yếu tố vật lý và sinh lý, như nhiệt độ, chất độc. Nếu Machine Learning cho phép AI không chỉ có trí thông minh, mà còn có cảm xúc, liệu con người còn có lý do và khả năng tồn tại? Liệu trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến thảm họa cuối cùng của nhân loại hay không?”. Ông Lập đặt câu hỏi.

Từ việc nhận diện mặt trái của AI, các chuyên gia khuyến nghị: Để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết các bài toán về quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn (Big Data).

Vân Mai

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/ai-va-nhung-mat-toi-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghe-a403488.html