Loài robot sống đầu tiên đã có thể sinh sản
Sau khi tạo ra các robot "sống", các nhà khoa học Mỹ mới đây cho biết loại robot tên xenobot này đã có thể sinh sản. Nhưng cách chúng sinh sản cũng không giống như thực vật hay động vật.
Xenobot có đường kính chưa đến 1mm và được hình thành từ tế bào gốc của loài ếch có vuốt châu Phi (Xenopus laevis).
Xenobot ra mắt lần đầu tiên vào năm 2020. Quá trình thí nghiệm cho thấy chúng có thể di chuyển, làm việc theo nhóm và tự chữa lành.
Nay, các nhà khoa học tại Đại học Vermont, Đại học Tufts và Viện Wyss về kỹ thuật lấy cảm hứng từ sinh học (Đại học Harvard) đang tiếp tục phát triển robot này. Họ đã phát hiện một cách sinh sản hoàn toàn khác của chúng.
Với sự trợ giúp của trí thông minh nhân tạo, các nhà nghiên cứu sau đó đã thử nghiệm hàng tỉ hình dạng cơ thể khác nhau để làm cho các xenobot "sinh sản" hiệu quả hơn.
Cuối cùng, siêu máy tính cho kết quả các xenobot hình chữ C có khả năng sinh sản tốt nhất. Nó có thể tìm thấy các tế bào gốc cực nhỏ trong đĩa thí nghiệm, thu thập hàng trăm tế bào này vào "miệng". Vài ngày sau đó, đám tế bào này đã trở thành xenobot mới.
Tế bào gốc là những tế bào không chuyên biệt, có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác nhau. Để tạo ra xenobot, các nhà nghiên cứu đã cạo các tế bào gốc sống từ phôi ếch và để chúng trong lồng ấp. Không có thao tác nào can thiệp đến gene.
Bùng nổ công nghệ thực phẩm nhân tạo
Lần đầu tiên thịt nhân tạo đã được tạo ra trên vũ trụ nhờ vào máy in sinh học 3D. Các tế bào thịt bò lấy từ bò nuôi trên trái đất được vận chuyển lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trước khi nuôi cấy thành tế bào mô-cơ để tạo ra một miếng bít-tết.
Thí nghiệm này là bước tiến quan trọng đầu tiên trong tầm nhìn an ninh lương thực cho thế hệ tương lai, đồng thời góp phần bảo tồn thiên nhiên. Dự báo, dân số thế giới sẽ đạt ngưỡng 10 tỷ người vào năm 2050. Thịt nhân tạo là một trong những phát minh nhằm đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho cư dân trái đất tương lai.
Tháng 7, công ty Pháp Gourmey sản xuất gan ngỗng nhân tạo đầu tiên trên thế giới từ tế bào gốc của vịt khiến một đầu bếp Michelin không thể tìm ra điểm khác biệt với gan thật. Tháng 8, Đại học Osaka sử dụng tế bào gốc từ bò Wagyu nổi tiếng để in 3D thịt chứa cơ, chất béo và mạch máu với cách sắp xếp giống miếng bít tết thông thường. Những sản phẩm này mang lại trải nghiệm tương đương cho người ăn mà không cần quá trình chăn nuôi tốn kém và tác động lớn đến môi trường, cũng không cần thực hiện việc giết mổ gây tranh cãi về đạo đức.
Du lịch vũ trụ bùng nổ
Sau cuộc đua chinh phục sao Hỏa, nhiều tỷ phú trên thế giới cũng dành không ít tâm huyết và tiền để phát triển các dịch vụ du lịch vũ trụ.
Ngày 11/7, tỷ phú 70 tuổi người Anh Richard Branson lần đầu tiên bay lên rìa vũ trụ cùng 5 người khác bằng máy bay vũ trụ do công ty Virgin Galactic của ông phát triển. Branson nhận xét đây là "một trải nghiệm để đời".
Chậm hơn Branson khoảng một tuần trong cuộc đua du lịch không gian, tỷ phú Mỹ Jeff Bezos cùng ba hành khách bay lên rìa vũ trụ vào ngày 20/7 bằng hệ thống tên lửa đẩy và khoang tàu chở khách của Blue Origin, công ty do chính ông sáng lập.
Cả hai công ty đều mang đến cho hành khách trải nghiệm môi trường không trọng lực trong 3 - 4 phút và nhìn ngắm Trái Đất từ trên cao. Tuy nhiên, trải nghiệm bay do Blue Origin và Virgin Galactic cung cấp vẫn có những khác biệt đáng kể, ví dụ về phương pháp phóng và độ cao tối đa.
Sự bùng nổ của du lịch vũ trụ trong năm nay đánh dấu một cột mốc mới trong công cuộc chinh phục không gian của nhân loại, đồng thời thể hiện sự phát triển của các công ty tư nhân trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Các công ty này đang khiến việc tiếp cận không gian trở nên rẻ và khả thi hơn, từ đó phổ biến rộng rãi hơn.
Theo Tạo chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/nhung-su-kien-khoa-hoc-cong-nghe-an-tuong-nhat-nam-2021-a411305.html