Vắc xin COVID-19 đã được chứng minh là có hiệu quả cao đối với những người không bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng trong việc ngăn ngừa lây nhiễm có triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng ở những người đã nhiễm trước đó chưa thật rõ ràng.
Để làm rõ những điều trên, mới đây, các nhà khoa học quốc tế đã công bố hai nghiên cứu trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet gần đây đã cung cấp số liệu cụ thể liên quan đến khả bảo vệ bổ sung của vắc xin đối với những người đã từng điều trị COVID-19.
Các triệu chứng hậu COVID-19 như ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở, sương mù não, rụng tóc, mất ngủ… khiến nhiều người gặp khó khăn khi trở lại cuộc sống bình thường. Ngay cả khi đã khỏi COVID, người bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm một biến thể khác của vi-rút Corona.
Mặc dù sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều, nhưng những người hồi phục sau COVID-19 có được một số khả năng phòng vệ miễn dịch chống lại sự tái nhiễm đối với biến thể đã mắc. Theo hai nghiên cứu được đề cập trong bài, “tấm khiên” phòng vệ này có thể được “gia cố” thêm nhờ việc tiêm vắc-xin. Đáng chú ý, mũi tiêm bổ sung sau COVID có thể giúp hạn chế đáng kể nguy cơ mắc các biến chứng nặng, nhập viện và tử vong.
Nghiên cứu thứ nhất được thực hiện dựa trên số liệu của 22.566 người đã khỏi COVID ở Brazil. Kết quả bước đầu cho thấy tất cả bốn loại vắc xin đang được sử dụng ở đó - từ Sinovac, AstraZeneca, Johnson & Johnson) và Pfizer/BioNTech - đều cung cấp khả năng bảo vệ tăng cường đáng kể.
Theo đó, 14 ngày sau khi hoàn thành tiêm chủng, khả năng chống lại nguy cơ lây nhiễm vi rút bắt đầu phát huy hiệu quả, dao động từ 39,4% đối với CoronaVac của Sinovac đến 64,8% đối với các mũi tiêm Pfizer/BioNTech. Hiệu quả trong việc hạn chế nhập viện và tỉ lệ tử vong dao động từ 81,3% đối với CoronaVac đến 89,7% đối với vắc xin của Pfizer/BioNTech. Đối với loạt vắc xin hai liều (CoronaVac, AstraZeneca, và Pfizer/BioNTech), hiệu quả chống lây nhiễm có triệu chứng sau liều thứ hai cao hơn đáng kể so với sau liều đầu tiên.
Nghiên cứu thứ hai sử dụng dữ liệu từ hơn 5 triệu người ở Thụy Điển, lại phát hiện ra rằng "miễn dịch lai" từ sự kết hợp của việc bị nhiễm COVID trước đó và tiêm một hoặc hai liều vắc xin đã tăng cường khả năng bảo vệ bổ sung lên ít nhất chín tháng.
Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu cho biết sau 3 tháng đầu tiên, miễn dịch tự nhiên sinh ra sau khi khỏi bệnh có thể làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm và giảm 87% nguy cơ nhập viện do COVID-19 trong tối đa 20 tháng theo dõi.
Tuy nhiên, miễn dịch lai còn mang lại hiệu quả bảo vệ tốt hơn so với miễn dịch tự nhiên. Cụ thể, miễn dịch lai khi tiêm thêm một liều có thể làm giảm đến 58% nguy cơ tái nhiễm COVID-19 so với miễn dịch tự nhiên. Trong khi đó, số người tái nhiễm sau khi được bổ sung miễn dịch lai từ hai liều vắc xin thấp hơn 66% so với những người chỉ có miễn dịch tự nhiên.
Thêm vào đó, cả một liều và hai liều miễn dịch lai đều giúp hạn chế nguy cơ nhập viện do triệu chứng nặng tốt hơn so với miễn dịch tự nhiên.
Được biết, cả hai nghiên cứu đều không bao gồm những bệnh nhân bị nhiễm hoặc tái nhiễm với biến thể Omicron.
Cùng với sự mở cửa trở lại của nhiều quốc gia, các hàng rào giãn cách xã hội bị huỷ bỏ, số ca nhiễm cũng gia tăng liên tục và diễn biến phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ vệ sinh đầy đủ là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi COVID-19.
Ngọc Đỗ
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/tiem-vac-xin-sau-khi-da-khoi-covid-19-giup-cai-thien-kha-nang-mien-dich-a421542.html