TP. HCM xây dựng thành phố thông minh, CĐS để phát triển bền vững

Quá trình chuyển đổi để ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu đang diễn ra. Công nghệ và chuyển đổi xanh là chìa khóa quan trọng trong việc chống lại các thách thức của biến đổi khí hậu.

Đã đến thời điểm thay đổi bền vững vì tương lai tốt đẹp

Khi nói về những đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Thụy Điển, chắc hẳn bạn đã từng biết đến Skype, Spotify, hay dây đeo an toàn ba điểm trên ô tô... Những phát minh sáng tạo này đã tạo nên sự khác biệt trong đời sống hàng ngày trên toàn thế giới!

Nhưng bạn có bao giờ nghĩ đến sự xuất hiện của những tòa nhà chọc trời được làm hoàn toàn bằng gỗ? Hay bê tông xanh và đường rải nhựa xanh? hoặc thép không sử dụng nhiên liệu hóa thạch?

Hãy trải nghiệm những câu chuyện ĐMST tại chương trình "Tiên phong đột phálần đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra trong hai ngày 02 và 03/06/2022.

Chương trình cung cấp những bài học kinh nghiệm cùng các giải pháp xanh để phát triển bền vững của các doanh nghiệp (DN) Thụy Điển. Qua đó bạn sẽ thấy rõ hơn hình ảnh của đất nước Thụy Điển - Trung tâm ĐMST bền vững mang tính đột phá.

Chương trình "Tiên phong đột phá" do Đại sứ quán Thụy Điển, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden), UBND TP. Hồ Chí Minh và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác Thụy Điển - Việt Nam về lĩnh vực phát triển bền vững.

Trong phát biểu khai mạc chương trình chiều 2/6, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe chia sẻ: ''Là quốc gia đi đầu trong ĐMST và phát triển bền vững, Thụy Điển có các kinh nghiệm thực tiễn - và các DN Thụy Điển sở hữu các giải pháp công nghệ - để tiên phong và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Thụy Điển đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch".

TP. HCM xây dựng thành phố thông minh, CĐS để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Đại sứ Ann Måwe: chúng tôi muốn thúc đẩy và tạo điều kiện để hai nước Thụy Điển - Việt Nam cùng sáng tạo để cùng hướng tới xã hội phát triển bền vững

Đại sứ Måwe nhấn mạnh "Với chuỗi sự kiện lần này, chúng tôi muốn thúc đẩy và tạo điều kiện để hai nước Thụy Điển - Việt Nam cùng sáng tạo để cùng hướng tới xã hội phát triển bền vững, kiên cường và thịnh vượng trong tương lai, dựa trên mối quan hệ đối tác truyền thống hữu nghị, hợp tác trong hơn nửa thập kỷ qua".

Ông David Lidén, Tham tán Thương mại kiêm Trưởng đại diện Business Sweden tại Việt Nam cho biết: công nghệ và chuyển đổi xanh là chìa khóa quan trọng trong việc chống lại các thách thức của biến đổi khí hậu.

"ĐMST luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự cạnh tranh của mỗi quốc gia - và mang lại chất lượng cuộc sống cho người dânTrong chương trình Tiên phong đột phá, chúng tôi tìm kiếm những nhà tiên phong Việt Nam tham gia với tư cách là đối tác và đồng sáng tạo". 

Với dân số chỉ gần 10 triệu người, Thụy Điển là trung tâm ĐMST. Thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã tạo ra số lượng kỳ lân (công ty công nghệ tỷ đô la) cao thứ hai trên thế giới tính theo bình quân đầu người. Theo OECD, cứ 1000 lao động thì có đến 20 startup ở Thụy Điển.

Đổi mới không sinh ra trong môi trường "đóng". Nền tảng của xã hội Thụy Điển chính là sự cởi mở, bình đẳng, đa dạng và minh bạch. Một mối quan hệ đối tác công tư sâu rộng, một nền giáo dục và hệ thống nghiên cứu phát triển ở trình độ cao, một nền công nghiệp hiện đại cùng với các quy định thuế minh bạch sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy cho sự ĐMST phát triển một cách mạnh mẽ. Đó cũng chính là một thông điệp của chương trình "Tiên phong đột phá". 

TP. HCM xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số để phát triển bền vững

Phát biểu tại Chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

TP. HCM xây dựng thành phố thông minh, CĐS để phát triển bền vững - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan: TP. HCM đang triển khai các đề án quan trọng như xây dựng thành phố thông minh, cũng như chuyển đổi số

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng việc cùng nhau chia sẻ tầm nhìn và triển khai những hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi lớn và sự phổ biến của những nguy cơ phi truyền thống. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường, khan hiếm nguồn nước và nhiều thách thức khác đang đe dọa thành quả tăng trưởng kinh tế và chất lượng sống của người dân khắp nơi trên toàn thế giới. Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng không tách khỏi những tác động này.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là con đường duy nhất phải đi để giải phóng các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của mình.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết Đảng bộ và chính quyền Thành phố đang triển khai các đề án quan trọng như xây dựng thành phố thông minh, cũng như chuyển đổi số, quy hoạch giao thông, quy hoạch chống ngập và xử lý nước thải, xây dựng Trung tâm tài chính, đô thị sáng tạo và nhiều đề án quan trọng ở lĩnh vực giáo dục và y tế và phát triển nhân lực.

Thành phố nỗ lực chuyển đổi cơ cấu từ nền kinh tế thâm dụng lao động phổ thông sang nền kinh tế dịch vụ và sáng tạo, phát triển các ngành công nghệ đột phá, khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Tầm nhìn của chúng tôi ở tương lai gần, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là một trung tâm kinh tế của Việt Nam và còn là một trung tâm kinh tế mới của Đông Nam Á với sự kết nối chặt chẽ với các trung tâm kinh tế hiện hữu. TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành một điểm kết nối quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu tại khu vực. Chúng tôi tin rằng sự tiên phong của TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực phát triển bền vững sẽ có tác động lan tỏa tích cực đối với sự thịnh vượng chung của khu vực này", Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

TP. HCM xây dựng thành phố thông minh, CĐS để phát triển bền vững - Ảnh 3.

TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là con đường duy nhất phải đi (Ảnh: Internet)

Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Thuỵ Điển

Theo đại diện VCCI, việc thực thi Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển về quan hệ thương mại. Giai đoạn 2020 – 2021, đặc biệt là thời kỳ đỉnh dịch ở Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thụy Điển vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng liên tục. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thụy Điển đạt trên 1,52 tỉ USD (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020).

Một số mặt hàng chủ lực Việt Nam đang xuất khẩu sang Thụy Điển bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, túi xách, nông sản, thủy sản… Ngược lại, một số sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Điển bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, dược phẩm, giấy, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hóa chất… 

TP. HCM xây dựng thành phố thông minh, CĐS để phát triển bền vững - Ảnh 4.

Toàn cảnh chương trình

Về quan hệ đầu tư, thực tế, theo VCCI, dòng vốn Thụy điển đã có mặt ở Việt Nam từ lâu, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, tiêu biểu như Tập đoàn ABB thành lập ở Việt Nam từ năm 1993, có nhà máy và tập trung vào 4 mảng chính là sản phẩm điện tử, robot hóa, công nghệ tự động trong các ngành công nghiệp và lưới điện.

Về phần mình, Việt Nam cũng đã bắt đầu phát triển đầu tư ra nước ngoài. Tính đến tháng 2/2022, Thụy Điển là thị trường đầu tư thứ 53/78 quốc gia và vùng lãnh thổ của Việt Nam với 3 dự án, tổng vốn đăng ký trên 1 triệu USD.

Bên cạnh việc định hướng quan hệ hợp tác kinh tế song phương phù hợp với xu thế tự do hóa thương mại, phù hợp với nền tảng liên kết kinh tế chặt chẽ của châu Âu và sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực ASEAN nói riêng, Việt Nam luôn mong muốn cùng bạn bè quốc tế, trong đó có Thụy Điển thúc đẩy ĐMST nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Những bài tham luận, diễn thuyết (TEDTalk), hội thảo, chuyên đề và triển lãm trong chương trình sẽ tạo nên một diễn đàn quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo DN, doanh nhân, các nhà nghiên cứu và những người tiên phong đổi mới của Việt Nam và Thụy Điển cùng trao đổi để mở rộng quan hệ đối tác và cùng tham gia quá trình sáng tạo đột phá.

Các chủ đề trọng tâm của chương trình bao gồm năng lượng bền vững, sản xuất bền vững, tiêu dùng và sử dụng nguyên phụ liệu bền vững cũng như tầm quan trọng của một nền kinh tế tuần hoàn. Tại chuỗi sự kiện, các tập đoàn Thụy Điển đang có mặt tại Việt Nam như ABB, Ericsson, H&M, IKEA, Atlas Copco, Tetra Pak sẽ chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp điển hình nhằm mang lại lợi ích cho Việt Nam và quan hệ đối tác Việt Nam - Thụy Điển cùng với sự tham gia từ các đối tác khu vực công và tư của Việt Nam./.

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/tp-hcm-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-cds-de-phat-trien-ben-vung-a432084.html