Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam: Lý luận và thực tiễn

Sáng 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận

“Diễn đàn Báo chí tháng 6” năm 2022 lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo đó, việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.

Có thể thấy, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.

chuyen doi so bao chi
 

 

 

Căn cứ Nghị quyết số 50 ngày 20/5/2021 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo, nghiên cứu báo chí. Việc thảo luận, phân tích những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh, trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Độc giả tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí một cách ngẫu nhiên qua những thuật toán, tin tức được gợi ý.

Ông Lâm cho biết, nhiều người nói rằng để lên không gian số thì cơ quan báo chí phải đầu tư, sử dụng nền tảng riêng, cũng có ý kiến cho rằng phải sử dụng nền tảng của bên thứ ba. Theo Cục trưởng Cục báo chí, nói đến đầu tư phải nói đến vai trò của Nhà nước, tuy nhiên vấn đề ở đây không phải là đầu tư tiền từ ngân sách mà là kéo các chủ thể liên quan vào để cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí.

Cục trưởng Cục Báo chí cũng nêu thực tế, so với câu chuyện tự đầu tư hạ tầng thì việc sử dụng hạ tầng bên thứ ba là phù hợp với cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay, nhưng phải kiểm soát các vấn đề như dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên của cơ quan báo chí trên không gian số…

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Mục tiêu cơ bản của Chiến lược là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội; phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.

Cùng đó, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý.

Hương Mi

Theo SHTT

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/chien-luoc-chuyen-doi-so-bao-chi-viet-nam-ly-luan-va-thuc-tien-a432451.html