Bản nhạc có thể làm hỏng loa MacBook

Loa của chiếc MacBook Air bị quá nhiệt sau khi phát một đoạn nhạc và âm thanh cường độ lớn trong 40 giây.

Thí nghiệm được thực hiện bởi Hector Martin, một nhà nghiên cứu bảo mật độc lập chuyên về các thiết bị Apple. Martin cho biết anh có thể làm há hỏng loa tweeter trên MacBook Air M2 chạy hệ điều hành Asahi Linux, bằng cách "bắt chúng hoạt động với các thiết lập và nội dung mà chúng không được thiết kế để chạy". Loa tweeter là phần loa chuyên phát các âm thanh tần số cao để phân biệt với woofer - loa phát âm thanh tần số thấp.

Cách thức được nhà nghiên cứu này sử dụng là mở I Won The Loudness War - một bản nhạc với được đánh giá "ồn ào" nhất thế giới và một đoạn "sine sweep"- hình thức thử loa bằng cách mở lần lượt âm thanh với tần số từ thấp nhất đến cao nhất (10 đến 20 kHz). Martin cho biết, sau 40 giây sine sweep, loa tweeter bên trái của MacBook Air hỏng hoàn toàn, còn chiếc bên phải hỏng một phần sau khi mở bản nhạc trên, khiến âm lượng loa từ máy nhỏ hơn đáng kể.

-9351-1663657186.png

Đồ thị minh hoạ khả năng tái tạo âm thanh của hai bên loa MacBook sau thí nghiệm, cho thấy loa bên trái đã hỏng hoàn toàn. Ảnh: Martin

Theo nhà nghiên cứu, nguyên nhân là do những chiếc loa này bị quá nhiệt. Anh cho biết có thể "ngửi thấy mùi" từ máy khi mở các âm thanh trên. Thí nghiệm được anh thực hiện trên hệ điều hành Asahi Linux thay vì macOS có sẵn. Đây là một phiên bản Linux anh đang phát triển để có thể chạy trên các máy tính Mac dùng chip Apple. Nhà nghiên cứu này cho biết đã phân tích cách macOS bảo vệ loa, sau đó dùng các kỹ thuật vượt qua chúng để áp dụng trên Asahi Linux.

"macOS sử dụng một mô hình phức tạp để ước tính nhiệt độ loa và giữ chúng an toàn. Việc của tôi là thí nghiệm và tìm ra cách giữ an toàn với Linux", Martin nói và giải thích đây là một trong những nguyên nhân khiến anh chưa thể phát hành Asahi Linux cho mọi người sử dụng.

Theo nhà nghiên cứu, kết quả trên cho thấy hệ điều hành có toàn quyền kiểm soát với những thành phần về âm thanh mà không qua một trình điều khiển (driver), dẫn đến việc chúng có thể bắt bộ khuếch đại phát ra âm thanh lớn hơn những gì loa có thể xử lý. Anh cho rằng Apple cần thiết kế loa của MacBook có thể chịu được các âm thanh lớn ngay cả khi người dùng sử dụng hệ điều hành không phải macOS.

Martin đã phản ánh việc hỏng loa với Apple và được đổi sang một máy mới nhờ chính sách bảo hành của hãng. Tuy nhiên, anh cảnh báo các mẫu như MacBook Air, Pro dùng chip M1 và M2 cũng hoàn toàn có thể bị phá hỏng loa bởi những bản nhạc như I Won The Loudness War.

Theo VnExpress

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/ban-nhac-co-the-lam-hong-loa-macbook-a441406.html