Đề xuất lập Tổ công tác chung về thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

30 doanh nghiệp cung cấp nền tảng số tham gia chương trình SMEdx

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT vừa thực hiện báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Theo Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Với đóng góp đó, vai trò của doanh nghiệp SME ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế. Thậm chí tại nhiều quốc gia, SME được coi là động lực mới để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp SME có đặc thù quy mô hạn chế, trở nên yếu thế trước những biến động của môi trường kinh doanh, môi trường xã hội. Điển hình trong giai đoạn dịch Covid-19, hàng loạt SME đã không thể trụ vững, đặt ra vấn đề về phát triển bền vững doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp SME nói riêng. “Ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là chìa khóa để hướng tới mục tiêu này”, Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Một đặc điểm của doanh nghiệp SME là có nguồn lực tài chính và nhân sự kỹ thuật hạn chế. Và đây là rào cản lớn, ảnh hưởng tới quyết định có chuyển đổi số hay không của nhóm doanh nghiệp này.

Thời gian qua, Bộ TT&TT và Bộ KH&ĐT đã và đang triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SME chuyển đổi số.

 

Theo thống kê, đến tháng 9/2022, có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp nền tảng đã tham gia chương trình SMEdx. Tính đến nay, đã có khoảng 404.000 doanh nghiệp SMEs được tiếp cận và hơn 60.000 doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của chương trình SMEdx. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số qua hỗ trợ các doanh nghiệp SME đã có bước tăng trưởng mạnh như MISA, 1Office…

Nhằm giúp các doanh nghiệp biết mình đang ở đâu trên hành trình chuyển đổi số, Bộ TT&TT cũng cung cấp bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại địa chỉ dbi.gov.vn. Hàng trăm doanh nghiệp đã vào cổng này để thực hiện đánh giá.

3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong năm 2022

 

Từ năm 2021, Bộ KH&ĐT đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua: chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; và hỗ trợ  chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Bộ KH&ĐT đã chủ động huy động nguồn lực từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án USAID về “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (LinkSME) để hiện thực hóa các mục tiêu của chương trình đến năm 2025 như: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng…

Trong năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay, đã có gần 400.000 doanh nghiệp được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.

Trong năm 2022, Bộ KH&ĐT tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng thêm nhiều tài liệu hướng dẫn cho các ngành, lĩnh vực, đồng thời tập trung thêm vào triển khai 3 gói hỗ trợ gồm: “Bắt đầu chuyển đổi số” - hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh mới bắt đầu chuyển đổi số; “Tăng tốc chuyển đổi số”- hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số để tăng tốc phát triển; “Chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu” - Hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Từ thực tế công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Bộ TT&TT đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT và một số bộ, ngành liên quan thành lập Tổ công tác chung thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp để triển khai hoạt động một cách đồng bộ, hiệu quả. Lựa chọn một số doanh nghiệp SME làm thí điểm chuyển đổi số, trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, xây dựng mô hình mẫu để thực hiện trên diện rộng.

Theo Vietnamnet

 

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/de-xuat-lap-to-cong-tac-chung-ve-thuc-day-chuyen-doi-so-doanh-nghiep-a441408.html