Huế phát triển cây dược liệu gắn với thương mại hoá

Theo đó, lan Kim tuyến và Bình vôi là 2 loài cây dược liệu có các hợp chất đã được minh chứng có tác dụng điều trị nhiều loại bệnh lý cũng như khả năng thương mại hoá cao.

Tuy nhiên, do sức ép của thị trường, 2 đối tượng này đễ bị thu hái tận diệt. Vì vậy, cần thiết phải có nghiên cứu về phát triển cây dược liệu với mô hình phù hợp điều kiện lập địa, đảm bảo sự sinh trưởng của 2 loài này và làm sao có các định tính, định lượng tương đồng với loài dược liệu có nguồn gốc bản địa.  

Thực tế, nhiều dự án phát triển cây dược liệu ở Thừa Thiên Huế bị bỏ dở, do chưa có sự liên kết đồng bộ giữa người dân, nhà khoa học, Nhà nước và doanh nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất dược liệu dù có năng suất, chất lượng cao nhưng lại chật vật trong vấn đề tìm đầu ra.

c8afb10c834844161d59

  Bình vôi là loại dược liệu quý có giá trị Y học cao.

 

Được biết, nếu Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế được tuyển chọn thực hiện dự án sẽ phối hợp với VQG Bạch Mã, Công ty Cổ phần Nông nghiệp xanh vùng Bạch Mã và các đơn vị liên quan khác để có thể nhân rộng mô hình theo hướng thương mại hoá, tạo sản phẩm đặc trưng cho Bạch Mã cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.

Theo các nhà nghiên cứu, VQG Bạch Mã là vùng có tiềm năng đa dạng sinh học cao, là nơi thích ứng với nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực. Nhiều kết quả điều tra nghiên cứu đã cung cấp những cơ sở dữ liệu quí giá phục vụ cho khoa học mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, bên cạnh đinh hướng xây dựng Bạch Mã thành trung tâm du lịch sinh thái đẳng cấp, đây còn là vùng đất giàu tài nguyên để Thừa Thiên Huế nghiên cứu, phát triển cây dược liệu gắn với hiểu quả kinh tế.

KS Hồ Thị Hoàng Nhi - Chủ nhiệm dự án phát triển lan Kim tuyến, Bình vôi cho biết: “Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành: Đánh giá thực trạng phân bố và một số đặc điểm sinh học, sinh thái của lan Kim tuyến và Bình vôi ở VQG Bạch Mã và vùng đệm; hoàn thiện quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô và quy trình sản xuất cây con lan Kim tuyến và Bình vôi đạt tiêu chuẩn xuất vườn; xây dựng mô hình trồng lan Kim tuyến và Bình vôi dưới tán rừng ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và vùng đệm;...”.

TS Hồ Thắng - Giám đốc sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: “Đây là dự án có ý nghĩa thực tiễn, mang tính khả thi cao, song đơn vị chủ trì dự án cần phải tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý của Hội đồng phản biện để chỉnh sửa lại mục tiêu, nội dung, xuất xứ công nghệ, các quy trình thực hiện... phù hợp với mục tiêu và sản phẩm đã được đặt hàng”. Ngoài ra, cần bổ sung vào các hội nghị đầu bờ, khóa tập huấn hỗ trợ người dân về quy trình, mô hình trồng... một cách chi tiết và cụ thể.

Việc nghiên cứu, xây dựng thành công mô hình trên sẽ góp phần làm đa dạng nguồn cung dược liệu - sản phẩm chủ lực của Thừa Thiên Huế, từng bước hình thành chuỗi sản phẩm dược liệu mang tính hàng hóa có giá trị cao, đưa Huế trở thành trung tâm dược liệu của vùng Bắc Trung Bộ.

Phan Hòa

Theo SHTT

 
 

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/hue-phat-trien-cay-duoc-lieu-gan-voi-thuong-mai-hoa-a442035.html