Nâng cao hiệu quả khai thác thương hiệu làng nghề

Hiện nay, một số làng nghề đã đăng ký nhãn hiệu tập thể nhưng chưa khai thác hiệu quả trong quá trình phát triển.

Bản thân các nghệ nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tại làng nghề phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng bộ phận nhận diện và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho cơ sở.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, góp tỷ trọng lớn trong 1,7 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mỗi năm. Trong những năm qua, các địa phương đã tạo ra nhiều cơ chế khuyến khích DN, cơ sở sản xuất tại làng nghề phát triển.

Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP… đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhất là tại thị trường có sức tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới như châu Âu. Tuy nhiên, đến nay mặc dù các FTA đã đi vào thực thi nhiều năm, nhưng làng nghề Việt vẫn chưa tận dụng được các cơ hội.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhãn hiệu là cách để các làng nghề thể hiện sức mạnh của thương hiệu, tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia trên thế giới.

thuong hieu lang nghe

 

 

Nhãn hiệu sẽ trở thành hàng rào chắc chắn giúp chống lại nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các hộ dân làng nghề cần đổi mới tư duy, chủ động đề xuất xây dựng nhãn hiệu tập thể và có ý thức gắn lợi ích cá nhân với lợi ích chung để cùng phát triển trong quá trình khai thác, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể. Có như vậy, các làng nghề mới giữ vững được vị thế và khẳng định được tên tuổi trên thị trường.

Có thể thấy, xây dựng thương hiệu ngay cả với các doanh nghiệp lớn đã là vấn đề khó bởi đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn lực. Khu vực làng nghề sản xuất hầu hết thủ công, kinh nghiệm quản lý nghèo nàn, nguồn lực hạn chế thì vấn đề xây dựng và khai thác giá trị thương hiệu lại càng khó. Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thương hiệu làng nghề, không chỉ riêng khu vực làng nghề, các ngành thủ công mỹ nghệ nói chung đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Nguyên do, bên cạnh chất lượng, mẫu mã sản phẩm tốt còn cần chiến lược quảng bá rộng rãi, nhưng đây lại là khoản đầu tư khá lớn, vượt quá sức của doanh nghiệp.

Khó khăn của các làng nghề trong xây dựng thương hiệu chính là các khó khăn trong phát triển sản xuất, như thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mặt bằng sản xuất, phải giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường… Cách làm “độc lập tác chiến”, mạnh ai nấy làm, quảng bá nhỏ lẻ, không nằm trong một chiến lược phát triển chung nào, đồng thời với việc thiếu thông tin kinh tế đã khiến nhiều hộ dân làng nghề lao vào sản xuất mà không tiêu thụ được hàng hoá, không ít làng nghề đã rơi vào tình trạng phá sản.Bên cạnh đó, việc thả nổi chất lượng sản phẩm ở một bộ phận hộ dân làng nghề hiện nay đã vô tình kéo lùi sự phát triển của thủ công mỹ nghệ trong phát triển du lịch. Cho dù đó chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng những hạt sạn như vậy trong sản xuất sản phẩm văn hóa sẽ khó được du khách chấp nhận. Thực trạng đó khiến ngành du lịch buộc phải lựa chọn những làng nghề tiêu biểu, đặc sắc nhất để đưa du khách đến, còn số đông các làng nghề khác bị bỏ rơi.

Vì vậy, bên cạnh việc doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ trong việc xác định các dòng sản phẩm đặc trưng, khâu thiết kế, quảng bá trên thị trường quốc tế. Bản thân các nghệ nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tại làng nghề phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng bộ phận nhận diện và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho cơ sở. Cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề nhằm tạo thành mạng lưới sản xuất, kiểm soát chất lượng và bảo đảm đồng bộ cho sản phẩm.

Minh Tú

Theo SHTT

 
 

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/nang-cao-hieu-qua-khai-thac-thuong-hieu-lang-nghe-a446076.html