Cảnh báo 508 cuộc tấn công mạng trong đợt nghỉ Tết
Trong dịp nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài khoảng 7 ngày, từ 20/1 đến hết ngày 26/1, việc đảm bảo an toàn thông tin mạng đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt.
Với vai trò cơ quan đầu mối, điều phối về an toàn thông tin mạng, trong suốt đợt nghỉ Tết vừa qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã chủ trì tổ chức 3 nhóm trực 24/7, bao gồm nhóm giám sát, hỗ trợ ứng cứu xử lý tấn công mạng; nhóm giám sát thông tin trên không gian mạng và nhóm hỗ trợ xử lý tin nhắn rác.
Cụ thể, hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng ghi nhận tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam trên mạng khoảng 2,9%; tỷ lệ thông tin tiêu cực về các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng khoảng 4%.
Các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã chủ động phối hợp với các mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới để xử lý kịp thời các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, thông tin giả.
Với hệ thống hỗ trợ xử lý tin nhắn rác, trong thời gian nghỉ tết Nguyên đán 2023, hệ thống này đã tiếp nhận 394 phản ánh về tin nhắn rác, tăng 11% so với năm trước.
Qua hệ thống giám sát xử lý tấn công mạng, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận và cảnh báo 508 cuộc tấn công mạng trong đợt nghỉ Tết, tăng 23% so với 1 tuần trước nghỉ Tết và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng IP botnet (mạng máy tính ma - PV) giảm 61,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong đợt nghỉ tết Nguyên đán năm nay, Cục An toàn thông tin đã hỗ trợ ứng cứu 41 sự cố an toàn thông tin mạng. Đây đều là những sự cố được đánh giá ở mức trung bình và thấp, không gây hậu quả.
Theo lý giải của của Cục An toàn thông tin, sở dĩ đợt nghỉ Tết vừa qua không xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng là bởi công tác đảm bảo an toàn thông tin đã sớm được chuẩn bị và triển khai quy củ.
Cụ thể, từ cuối tháng 12/2022, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng trong thời gian tết Nguyên đán Quý Mão 2023; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rà soát, vá các điểm yếu, lỗ hổng và tổ chức ứng trực bảo đảm an toàn thông tin.
Phát hiện 166 trang web lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thông tin với VietNamNet về tình trạng lừa đảo trực tuyến trong đợt nghỉ Tết Quý Mão 2023, chuyên gia Ngô Minh Hiếu, điều hành dự án Chống lừa đảo (chongluadao.vn) cho biết, hệ thống của tổ chức này đã phát hiện tổng cộng 181 trang lừa đảo trong thời gian từ ngày 19/1/2023 đến ngày 27/1/2023.
Trong 181 trang lừa đảo kể trên, có 166 trang là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 15 trang lừa đảo đánh cắp thông tin. Rộ lên các trang lừa đảo thu thập thông tin lừa đảo khuyến mãi, quà tặng, điển hình như các trang vn-tet[.]shop, lixitetlienquan[.]com... đặt tên miền có chữ "tet" và "lixi".
Bên cạnh đó, trong những ngày cuối năm âm lịch cho đến nay, các trang giả mạo các thương hiệu uy tín để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không có dấu hiệu giảm và tăng khá mạnh so với những ngày thường, tiêu biểu như fxshopeevip99[.]com, lazadabrand[.]com, vatgiia[.]com...
Chuyên gia của dự án Chống lừa đảo cũng cho biết thêm, trong 7 ngày nghỉ Tết, riêng các trang lừa đảo chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng hầu như giảm mạnh và có dấu hiệu suy giảm so với những ngày trước Tết.
Các chuyên gia khuyến nghị thời gian tới, người dùng vẫn cần lưu ý để phòng tránh những hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến, trong đó cần hết sức lưu tâm đến 2 chiêu lừa vẫn đang khiến nhiều người bị “sập bẫy”, đó là lừa đảo tuyển cộng tác viên làm “việc nhẹ lương cao” để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo giả mạo tin nhắn thương hiệu các ngân hàng để đánh cắp thông tin tài khoản người dùng.
Lời khuyên cho người dùng là không tham gia, đầu tư vào các trang dụ tuyển cộng tác viên dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp bị các đối tượng gửi tin nhắn qua Telegram, Zalo, Facebook… người dùng tuyệt đối không trao đổi thêm và dừng ngay cuộc nói chuyện để tránh bị dẫn dụ và mất tài sản.
“Người dùng cũng cần lưu ý để không click vào các link lạ, dù là qua tin nhắn thương hiệu ngân hàng, hay qua app thương mại điện tử... Với tất cả các link, nên thận trọng kiểm tra tại qua tinnhiemmang.vn và chongluadao.vn. Nếu không rõ về đường link, cần gọi ngay tới bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng, trang thương mại điện tử đó để xác nhận. Ngoài ra, có thể xem thêm trang dauhieuluadao.com để có thêm nhận thức về phòng ngừa các hình thức lừa đảo online”, chuyên gia dự án Chống lừa đảo khuyến nghị.
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/khong-xay-ra-su-co-an-toan-thong-tin-nghiem-trong-trong-7-ngay-tet-quy-mao-a446983.html