Sử dụng dịch vụ đám mây chưa phổ biến
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của TechSi Research, doanh thu quy mô thị trường đám mây (cloud) đạt khoảng 200 triệu USD vào năm 2020 và có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ nay đến năm 2026 là khoảng 18,88%.
Dịch vụ đám mây có nhiều ưu điểm như triển khai nhanh; không cần bảo trì/vận hành; khả năng mở rộng cao; sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi. Hạn chế là không thể sử dụng nếu không có Internet; rủi ro ngừng dịch vụ.
Mặc dù được xác định là mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, DN vừa và nhỏ, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, nhưng việc sử dụng dịch vụ ĐTĐM của các DN Việt Nam chưa phổ biến. Khảo sát năm 2021 của Viện IBM về giá trị DN cho thấy, 56% DN Việt Nam đã và đang sử dụng dịch vụ ĐTĐM, trong khi đó tại Hoa Kỳ, năm 2019 có 94% DN sử dụng dịch vụ ĐTĐM.
Theo Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, tỷ lệ sử dụng dịch vụ đám mây chưa phổ biến có các nguyên nhân như: (1) nhiều cơ quan, địa phương, DN vẫn chưa thực sự hiểu rõ về các lợi ích, ý nghĩa của ĐTĐM nên chưa chú trọng lựa chọn sử dụng các sản phẩm ĐTĐM mà tự đầu tư xây dựng các hạ tầng CNTT đơn lẻ; (2) Dịch vụ ĐTĐM chưa tạo niềm tin của tổ chức, DN về chất lượng dịch vụ, an toàn thông tin khi sử dụng ĐTĐM; (3) chưa có chính sách ưu tiên sử dụng dịch vụ ĐTĐM (cloud - first) từ các cơ quan của Chính phủ, khu vực dịch vụ công hoặc phát triển ĐTĐM Chính phủ (government cloud) để tạo động lực và dẫn dắt các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ ĐTĐM một cách rộng rãi.
Và nguyên nhân thứ tư và cũng là một đề xuất là cần có các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ ĐTĐM tương ứng với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng về ĐTĐM. Các sản phẩm ĐTĐM của DN trong nước chưa tạo được lợi thế cạnh tranh về công nghệ so với sản phẩm của nhà cung cấp nước ngoài.
Chính sách thúc đẩy đám mây
Tại các Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đều xác định ưu tiên phát triển, thúc đẩy dịch vụ ĐTĐM và ĐTĐM là một trong các công nghệ nền tảng của CĐS, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Do đó ,việc thúc đẩy ĐTĐM ở Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng để tăng tốc độ CĐS quốc gia, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Từ những nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế sử dụng ĐTĐM ở Việt Nam, Cục Viễn thông - Bộ TT&TT đề xuất các chính sách thúc đẩy ĐTĐM và giao các đơn vị triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào các giải pháp phát triển hạ tầng ĐTĐM, nâng cao nhận thức và hỗ trợ DN chuyển đổi sang ĐTĐM; đảm bảo an ninh thông tin; phát triển nhân lực và kỹ năng ĐTĐM; khuyến khích DN làm chủ công nghệ lõi ĐTĐM.
Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, trong năm 2022, Cục tập trung thúc đẩy, hỗ trợ một số mảng việc mới, trong đó có thúc đẩy đám mây. Cục đã nghiên cứu, xây dựng chương trình thúc đẩy đám mây Việt Nam; chủ trì, điều phối và triển khai, chịu trách nhiệm trực tiếp kết quả việc thúc đẩy đám mây Việt Nam với mục tiêu các cơ quan nhà nước (CQNN), DN sử dụng đám mây “nội” tối thiểu đạt 70% vào năm 2030 thay vì tỷ lệ này đang 80% nghiêng về sử dụng đám mây ngoại. Năm 2023 phấn đấu đạt tỷ lệ sử dụng đám mây Việt Nam đạt khoảng 30 - 40%, trong đó tập trung thúc đẩy các DN Việt Nam sử dụng nền tảng Việt Nam và cung cấp dịch vụ cho CQNN cũng như DN Việt Nam sử dụng.
“Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, là mảng chính trong hạ tầng số và Bộ trưởng Bộ TT&TT đã định hướng chỉ đạo về mở rộng không gian hạ tầng số và đám mây là trụ cột chính trong hạ tầng số”, Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh.
“Cục Viễn thông đã đưa ra đề xuất khảo sát, đánh giá, xếp hạng về trung tâm dữ liệu (DC), đám mây Việt Nam. Hiện nay chưa có bộ chỉ số này. Cục làm việc các hiệp hội, DN, tổ chức xây dựng bộ chỉ số để đánh giá, định lượng được từ đó mới thúc đẩy được tiêu dùng từ CQNN, cũng như DN để họ có chỉ số để lựa chọn nhà cung cấp. Chương trình này được triển khai quyết liệt hàng tháng, hàng quý”, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết thêm.
Chính sách quản lý TTDL và dịch vụ ĐTĐM
Theo Cục Viễn thông, kinh doanh dịch vụ TTDL được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi đó, luật chuyên ngành chưa có quy định cụ thể, mới chỉ có Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013 của Bộ TT&TT quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với TTDL. Do khung pháp lý chưa đầy đủ nên xuất hiện các nguy cơ như TTDL không đạt chuẩn, không đảm bảo an toàn, chưa quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ TTDL và ĐTĐM trong việc bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng, an ninh thông tin; chưa có quy định quản lý các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Nhằm mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển TTDL và dịch vụ ĐTĐM ở Việt Nam, quản lý bảo vệ dữ liệu theo thông lệ quốc tế, Cục Viễn thông đã đề xuất bổ sung thêm 01 chương về kinh doanh TTDL và ĐTĐM trong Luật Viễn thông sửa đổi.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, hiện nay tại thị trường Việt Nam có khoảng 08 đơn vị cung cấp dịch vụ TTDL, với 27 TTDL và hơn 364.000 server. Trên thế giới có 124 quốc gia có TTDL với tổng cộng 4.626 TTDL. Như vậy, tính trung bình mỗi quốc gia có 37 TTDL. Trong thời gian tới với tốc độ tăng trưởng dữ liệu và quá trình CĐS ở Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu đầu tư phát triển TTDL ở Việt Nam
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số ít quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Arab Saudi, Ai Cập khi thiết lập và kinh doanh TTDL phải xin cấp phép hoặc thông báo với cơ quan quản lý ICT. Châu Âu, Mỹ không có quyết định riêng về thiết lập, kinh doanh DC mà được quản lý bởi các quyết định chung về an toàn thông tin, sự riêng tư của dữ liệu, bảo vệ môi trường… Một số quốc gia như Arab Saudi, Malaysia, Thái Lan, Ai Cập, Singapore… có quy định về tiêu chuẩn cho TTDL về hạ tầng, an toàn thông tin, tiêu thụ năng lượng.
Về đám mây, một số quốc gia như Arab Saudi, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Ai Cập, Trung Quốc,... yêu cầu cấp phép hoặc đăng ký khi cung cấp dịch vụ. Về quản lý, các nước này chủ yếu quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng.
Quan điểm quản lý của Cục Viễn thông là thúc đẩy phát triển thị trường TTDL và đám mây, quản lý về bảo vệ dữ liệu theo thông lệ quốc tế. Theo đó, chương về kinh doanh TTDL và đám mây được bổ sung vào Luật Viễn thông sửa đổi quy định dịch vụ TTDL là cho thuê chỗ đặt; cho thuê máy chủ; cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu. Dịch vụ đám mây gồm IaaS, PaaS, SaaS. DN cung cấp dịch vụ TT&TT và đám mây (IaaS) phải đăng ký với Bộ TT&TT. Bên cạnh đó là quy định về điều kiện kinh doanh TTDL và đám mây, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng, ATTT, tiêu thụ năng lượng; phù hợp quy hoạch,...
Theo Cục Viễn thông, chính sách quản lý, kinh doanh TTDL, dịch vụ ĐTĐM được xây dựng theo hướng cải cách thủ tục, đơn giản hóa điều kiện; ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các DN viễn thông có hạ tầng và cung cấp dịch vụ ĐTĐM đối với các DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM không có hạ tầng viễn thông. Quy định về dịch vụ ĐTĐM, kinh doanh dịch vụ TTDL được xây dựng để phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn quản lý tại Việt Nam./.
Hoàng Linh
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/thuc-day-su-dung-dich-vu-ttdl-dam-may-tai-viet-nam-a447001.html