Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến khoa học công nghệ

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về tình hình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định cho biết, thời gian qua, KHCN và đổi mới sáng tạo đã từng bước khẳng định vai trò, động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nghiên cứu cơ bản đạt được nhiều thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế.

Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 25,68%, gấp 3,18 lần so với giai đoạn 2011-2015. Riêng trong năm 2022, công bố quốc tế của Việt Nam là 18.577 bài, tăng 38% so với năm 2021; tăng 7% so với năm 2020 (là năm có số lượng bài báo quốc tế lớn nhất của Việt Nam trong các năm trước đó).

Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

khoa hoc cong nghe2

  Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Khoa học và Công nghệ

Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%).

Năm 2021, TFP đóng góp khoảng 37,5%; năm 2022, đóng góp khoảng 43,8% vào tăng trưởng kinh tế. KHCN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa (trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi).

KHCN ngày càng tham gia sâu và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, xây dựng, an ninh, quốc phòng…

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015), vượt mục tiêu "Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%".

Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2021 là 4,71%; năm 2022 là 4,81%, chưa đạt mục tiêu "Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm" do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế toàn cầu.

Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 38,42 % năm 2016 đến 47,45% năm 2022.

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) trong giai đoạn liên tục tăng vượt bậc. Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, năm 2019 tăng 3 bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia. Năm 2021, xếp thứ 44/132 quốc gia; năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia, đứng thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cũng báo cáo chi tiết hơn về hành lang pháp lý, với 8 luật chuyên ngành, gồm: Khoa học và Công nghệ; Chuyển giao công nghệ; Công nghệ cao; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Đo lường; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Năng lượng nguyên tử. Theo Thứ trưởng hành lang pháp lý "đã tương đối hoàn thiện". Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được xây dựng và trình Thủ tướng ban hành, mục tiêu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...

khoa hoc cong nghe3

 Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Xuân Định

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ thêm, trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hiện nay, Bộ đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 2 Nghị quyết quan trọng của ngành: Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đó, nhiều quan điểm mới về quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang được nghiên cứu, dự kiến trình Trung ương cho ý kiến như: Vấn đề quản lý nhà nước về hoạt động đổi mới sáng tạo, việc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong hoạt động nghiên cứu, vấn đề mô hình, cơ chế hoạt động của các Quỹ.

Bộ cũng đang tập trung hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Trước đó, ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Bộ đang trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết quan trọng này.

Ghi nhận những đóng góp và kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, chỉ số xếp hạng về năng suất lao động của Việt Nam ở mức cao là nhờ có sự đóng góp của ngành khoa học và công nghệ.

Ông cũng lưu ý, cần có một cơ chế đặc thù cho khoa học công nghệ và những người làm khoa học công nghệ. Phải xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quản lý nhà nước và phát triển khoa học công nghệ. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

 

Thanh Hà

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/can-hoan-thien-khuon-kho-phap-ly-lien-quan-den-khoa-hoc-cong-nghe-a447217.html