Meta, Microsoft bất ngờ hợp tác về trí tuệ nhân tạo

Lập trình viên có thể sử dụng miễn phí mô hình ngôn ngữ lớn Llama 2 của Meta thông qua nền tảng đám mây Azure của Microsoft, theo thỏa thuận vừa được hai bên công bố.

Trước đó, Meta đã cung cấp Llama cho các học giả và bị rò rỉ trên một diễn đàn trực tuyến. Công ty chưa từng cho phép sử dụng thương mại mô hình ngôn ngữ lớn của mình.

Ngoài quan hệ hợp tác với Meta, Microsoft còn thông báo kế hoạch thu phí doanh nghiệp 30 USD/tháng/người để dùng trợ lý AI Copilot trên Microsoft 365 - gói phần mềm văn phòng bao gồm Word, Excel. Mức phí này cao hơn gấp đôi phiên bản Microsoft 365 rẻ nhất, cho thấy nhà sản xuất Windows khá tự tin.

Meta sẽ đưa mô hình ngôn ngữ lớn Llama 2 lên Microsoft Azure. (Ảnh: NFTnewstoday).

Meta sẽ phát hành Llama 2 dưới dạng phần mềm “nguồn mở”, về cơ bản cho phép công chúng sử dụng, chỉnh sửa và chia sẻ rộng rãi. Động thái có thể khiến cuộc đua giữa các mô hình riêng tư, thương mại như GPT-4 của OpenAI – startup đứng sau ChatGPT – căng thẳng hơn.

Trong bài viết Facebook, CEO Meta Mark Zuckerberg khẳng định “nguồn mở thúc đẩy đổi mới vì giúp nhiều nhà phát triển làm sản phẩm bằng công nghệ mới hơn”. Ông cho rằng nó sẽ nâng cao an toàn, bảo mật vì khi phần mềm có tính mở, nhiều người có thể theo dõi và xác định, khắc phục lỗi tiềm tàng.

Với Microsoft, việc Llama 2 xuất hiện trên Azure cho thấy công ty sẵn sàng mở rộng lựa chọn nền tảng AI, không chỉ có OpenAI. Dù Microsoft đã đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI, các đối thủ như Amazon và Google đang thể hiện bản thân là các nền tảng trung lập, nơi lập trình viên có thể lựa chọn giữa nhiều mô hình AI tạo sinh từ các nhà cung cấp khác nhau.

Llama 2 cũng đại diện cho sự thay đổi của Meta khi chỉ mới hai tháng trước còn nói không có kế hoạch thương mại hóa. Các nhà hoạt động và doanh nhân đã vận động chiến dịch “Giải phóng Llama” nhằm thuyết phục Meta đổi ý. Llama là một trong số các nỗ lực mà Meta đang làm để cạnh tranh với đối thủ sau khi chậm chân hơn với AI tạo sinh.

Thu phí Copilot nằm trong kế hoạch cải tổ các sản phẩm phần mềm xoay quanh AI tạo sinh của Microsoft. Trợ lý này có thể thực hiện các công việc như tóm tắt email trong Outlook, biến văn bản Word thành bài thuyết trình PowerPoint, phân tích dữ liệu bán hàng trong Excel. Copilot được giới thiệu hồi tháng 3 nhưng chưa có thông tin mức giá hay ngày ra mắt dự kiến. Chưa rõ khi nào Microsoft triển khai trợ lý AI trên quy mô lớn.

Microsoft đã rót 10 tỷ USD cho OpenAI và tích hợp chatbot vào công cụ tìm kiếm Bing. Hãng phần mềm chưa tiết lộ sẽ kiếm tiền từ công nghệ này bằng cách nào. Trong cuộc họp báo cáo kinh doanh gần nhất, lãnh đạo hãng lưu ý AI tạo sinh đã đưa một số doanh nghiệp đến với Azure, bao gồm thông qua sử dụng ChatGPT – vốn được lưu trên nền tảng.

Phát hành Copilot rộng rãi sẽ cho thấy bao nhiêu khách hàng sẵn sàng trả tiền để dùng AI tạo sinh. Tháng trước, Salesforce – một trong những đối thủ của Microsoft trong lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp – cũng công bố mức giá với bộ công cụ AI tạo sinh.

Với khách hàng doanh nghiệp của Microsoft 365, Microsoft sẽ thêm tính năng chatbot Bing Chat Enterprise. Nếu không dùng Microsoft 365, doanh nghiệp phải trả 5 USD/tháng/người dùng để sử dụng Bing Chat Enterprise. Công cụ chat có chức năng giống với ChatGPT như tóm tắt văn bản, trả lời người dùng.

Microsoft cam kết dữ liệu nhập vào không thể bị truy cập từ bên ngoài. Vài tháng gần đây, các hãng như Apple đã cảnh báo nhân viên không dùng công cụ như ChatGPT do lo ngại lộ dữ liệu nhạy cảm.

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/meta-microsoft-bat-ngo-hop-tac-ve-tri-tue-nhan-tao-a447227.html