Những bức tranh bán phù điêu được khắc thủ công trên giấy từ xơ dừa, qua hàng ngàn áp lực “khổ luyện” của lửa, nước, nắng với sự tài hoa của nghệ nhân đã “lên đời” thành tranh trang trí không gian nội thất, tâm linh.
Người “đãi vàng” từ rác
Mùa mưa bão gần, nhiều cành dừa bên biển Mân Thái, Mỹ Khê quyến rũ được cắt tỉa, bỏ lại bên vỉa hè đợi xe rác mang đi. Ông Lê Thanh Hà dẫn chúng tôi về xưởng sản xuất Giấy Quê Tôi – Giấy Dừa Đà Nẵng rồi hồ hởi nói: “Đã đến thời điểm lượm rác dừa”.
Từ xứ Nghệ vào Huế theo học và tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, ông Hà có 15 năm làm trong lĩnh vực truyền thông. Ông bén duyên nghề làm giấy qua việc tiếp xúc, thiết kế website quảng bá giấy Trúc Chỉ cho người thầy – họa sĩ Phan Hải Bằng. Không xem thành tựu sản phẩm của thầy đã là ưu việt, khi đến với Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài, ông Hà tìm tòi, tự sáng tạo loại giấy chưa ai làm.
Say sưa mày mò, ông Hà thử nghiệm dùng dừa nước, dâu, tràm, xơ sen để làm giấy nhưng hầu hết nguyên liệu không phổ biến, lại không có màu trắng tự nhiên. Khám phá nhiều loại cây sợi xơ dài có độ cứng phù hợp chứa chất xenlulo, ông Hà nhận ra chúng dệt vải được cũng có thể làm giấy được.
Lọt vào đôi mắt của ông Hà, phần tàu dừa bị chặt tỉa không phải là rác mà là nguồn nguyên liệu tương đối dồi dào mà tự nhiên ban cho.
Có hiểu biết về Trúc Chỉ thời Mãn Thanh, ông Hà lại tình cờ biết ở xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) có nghề làm giấy bản từ cây giang (họ tre trúc) hơn 300 năm tuổi của người H’Mông qua một người bạn. Ông đến tận nơi và học cách dàn giấy tự nhiên từ họ.
Có tìm thì thấy, qua một từ khóa Rakusui Washi được người em gái cung cấp, ông học được cách in hoa văn bằng áp lực nước của Nhật Bản.
Về kỹ thuật, in hoa văn Rakusui Washi và giấy dừa giống nhau nhưng họ sử dụng họa tiết rời, in theo từng lớp, còn ông Hà điêu khắc. Ông Hà giải thích: “Phần lõi của tàu dừa sau khi được xử lý sẽ có những xơ dừa liên kết thành giấy. Tôi dùng nước như con dao để khắc lên nền bột giấy ướt”.
Ông Hà học nghệ thuật nên máy nghiền xơ dừa là thách thức lớn nhất trong hành trình tìm phương pháp làm giấy mới. “Tôi may mắn có nhiều bạn bè ở nhiều lĩnh vực. Máy nghiền xơ cũng may mắn được bạn ở trường dạy nghề Quân khu 5 đặt thông số, chế tạo lại dựa trên bản vẽ máy nghiền xơ của người Hà Lan”, cha đẻ của giấy dừa nói.
Để làm bức tranh nghệ thuật từ giấy dừa phải trải qua 10 công đoạn: Vẽ họa tiết bằng tay, scan họa tiết vào máy tính, vẽ lại trên máy tính cho hoàn hảo rồi đưa vào máy cắt decan đưa lên khuôn lưới để tạo nét…
Gia đình bà Đinh Thị Quê vốn sống bằng nghề đi biển, nay tuổi cao, sức kém quanh quẩn ở nhà. Lần đầu thấy ông Hà đem tranh giấy dừa về, bà Quê cũng như nhiều láng giềng không khỏi ngạc nhiên. Mấy năm nay, gia đình bà Quê có thêm thu nhập khi chẻ, nấu xơ dừa cho Giấy Quê Tôi – Giấy Dừa Đà Nẵng.
“Hà nói tôi giúp chẻ, nấu để làm giấy dừa. Hà hướng dẫn, giải thích tường tận về công đoạn làm tranh. Tôi sang ngắm thấy tranh giấy dừa rất đẹp nên nhận làm.
Tôi chẻ tàu dừa thành từng miếng nhỏ như đồ chơi, chỉ giữ phần trắng của ruột tàu dừa. Sau đó, đổ nước vào ngâm ruột tàu dừa và đưa lên lò nấu với vôi từ đêm đến sáng. Mở nắp chêm nước đến khi dừa mềm mới đưa ra xay sợi nhiều lần để thành bột. Nghe đơn giản nhưng rất kỳ công”, bà Quê nói.
Được biết, hiện cơ sở của ông Hà đang tạo việc cho 4 hộ dân trong xóm với công đoạn sơ chế dừa.
Rác dừa qua nước chảy thành hoa
“Tôi dùng khuôn nước tạo nét, khi xịt nước xuống các nét đó mờ đi, sau đó đậy lại rồi lại lấy nét tiếp nhiều lần cho đến khi họa tiết nổi lên rõ ràng. Tôi mở khuôn lên xuống có khi hàng nghìn lần mới có thể khắc xong bức tranh đưa đi phơi. Tranh từ giấy dừa đẹp qua các lớp và họa tiết”, ông Thanh Hà chia sẻ.
Nghĩ tới hình ảnh ô nhiễm do nước thải tại các làng giấy Phú Lâm (huyện Tiên Du), Phong Khê (TP Bắc Ninh) khiến sông Cầu, Thị Vải “chết sặc”, ông Hà càng nhắc mình phải tự hà khắc với giấy dừa để bảo vệ môi trường.
Nếu giấy làm từ chất liệu khác, công đoạn nấu bằng hóa chất chỉ mất 6 – 8 giờ thì nấu bằng vôi như giấy dừa mất từ 18 – 24 giờ. Việc ủ lên men nếu dùng hóa chất mất một ngày, nhưng giấy dừa khi ủ lên men tự nhiên mất tới 17 – 20 ngày mới đủ trắng để tạo tác, quá trình ủ thay nước thường xuyên.
Nếu ngày nắng, giấy dừa phơi khô hấp thu năng lượng đất trời thì mùa mưa, giấy dừa dùng quạt gió vì nếu dùng nhiệt trực tiếp sẽ cong giấy.
“Tôi muốn làm ra sản phẩm 100% từ tự nhiên. Thua thời gian là thua tiền bạc, biết làm tự nhiên lâu hơn tôi vẫn không muốn thay đổi”, ông Hà bày tỏ.
Những bức tranh đầu tiên với các hình ảnh Vọoc Chà Vá Chân Nâu, hoa Đào Chuông, tượng Phật Bà, chùa Linh Ứng… đi vào tranh giấy dừa khiến nhiều người biết đến. Ông Hà có thêm động lực đi lâu dài trên con đường đưa giấy dừa trở thành sản phẩm “nhắc đến là biết của Đà Nẵng”.
Đến nay, Giấy Quê Tôi – Giấy Dừa Đà Nẵng có 5 thợ chính được tuyển chọn từ những người có khiếu thẩm mỹ, am hiểu về nghệ thuật hội họa. Đồng thời, truyền nghề cho 3 người học trò đến từ xứ dừa Bến Tre, Phú Yên, Nghệ An. Mỗi người ra nghề đã xây dựng thương hiệu riêng.
“Tôi truyền nghề miễn phí bởi thấy hiện nay, nhiều nghề thủ công còn nhưng tinh hoa nghề đã mất”, ông Hà nói. Học trò theo học chỉ cần tuân thủ tiếp nối 100% sản xuất tự nhiên, không đồ, nhái họa tiết, không làm giả chất liệu.
Lê Trịnh Mỹ Uyên (SN 1992, Khuê Trung, Cẩm Lệ) tốt nghiệp ngành kiến trúc. Môi trường làm việc thoải mái đã giữ chân cô gái trẻ làm việc tại Giấy Dừa Đà Nẵng 4 năm qua.
Nếu khi vẽ dùng cọ thì khi làm giấy dừa, Uyên phải dùng áp lực nước. Vì vậy, khi mới bắt đầu công việc, cô phải làm quen với vòi nước. “Tôi phải tập 2 - 3 tháng mới có sản phẩm đẹp dần lên. Thời gian làm quen cũng tùy sự kiên trì của mỗi người. Lúc mới làm sẽ rất mỏi tay”, Mỹ Uyên cho hay.
Cạnh tranh bằng sự sáng tạo
Khi tranh giấy dừa trở nên nổi tiếng cũng là lúc không ít lần ông Hà phải buồn lòng trước tiếng oan bị gán cho “đứa con” tinh thần.
“Trước đây, tôi rất bực mình về việc quảng cáo sai chất liệu, ăn cắp, đồ, nhái họa tiết. Tôi làm việc với người đạo nhái, viết bài cảnh báo về tình trạng đó rất nhiều”, ông Hà cho hay.
Thấy giấy dừa chịu tiếng vì bị ăn cắp, giả nhái hình ảnh, ông Hà quyết định đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
“Nhiều năm làm thương hiệu cho người khác, tôi hiểu giá trị sáng tạo cao thế nào. Tôi sớm đi đăng ký sở hữu nhãn hiệu cho giấy dừa, nhưng lúc đó thế giới chưa có khái niệm về giấy dừa nên tôi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền với tên “Giấy Quê tôi” và bảo hộ quyền tác giả đối với bộ họa tiết: hoa lá, đài sen, cuống sen…”, ông Hà tiết lộ.
ông Lê Thanh Hà.
Giấy dừa được yêu thích vì chất liệu tự nhiên, được làm thủ công. Nhiều cổ tự trong nước chọn tranh giấy dừa để làm tăng sự tôn nghiêm và trang nhã cho không gian. Tranh giấy dừa được tham dự nhiều triển lãm trong nước và quốc tế như: Triển lãm Phật giáo thế giới ở chùa Tam Chúc, Bãi Đính (Ninh Bình); giao lưu văn hóa tại Bảo tàng Nhật Bản.
Theo Hòa thượng Thích Châu Toàn, chùa Minh Hải (Ngũ Hành Sơn), nhà chùa sử dụng tranh giấy dừa thuần tự nhiên thay thế tranh nhựa gắn đèn nháy và xếp đặt tại những vị trí trang trọng trong chính điện. “Bàn tay sáng tạo của ông Hà đã biến đồ bỏ đi thành tác phẩm có giá trị cao trong cuộc sống”, vị Hòa thượng chia sẻ.
Dừa cạn rất gần gũi trong văn hóa người Việt, ca dao có câu: “Trên trời có giếng nước trong/con kiến chẳng lọt, con ong chẳng vào”. Phật giáo xem dừa là cây độ lượng nhất trần gian cho cơm ngon, nước ngọt tinh khiết như nước Cam Lồ, bóng mát che chở muôn loài, được mô tả là cây có ngàn công dụng. Giấy dừa là một công dụng nữa mà dừa ban tặng cho con người.
Tranh giấy Dừa được Sơn Trà chọn làm quà tặng đặc biệt của quận, là địa chỉ đáng lưu tâm trong cẩm nang du lịch Đà Nẵng. Sắp tới, ông Hà dự định đưa dự án xe giấy dừa di động trải nghiệm ra đường phố.
Trước bức tranh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vì hòa bình và bác sĩ “việc tử tế” Alexandre Yersin của mình, qua từng nét khắc, ông Hà như nguyện ước khơi dậy tính thiện trong bản thể người thưởng lãm.
Ông Hà bày tỏ: “Lúc trước, tôi sợ nhu cầu lớn mình nhỏ dễ sa vào sử dụng hóa chất. Giờ đây, đủ khả năng, tôi muốn phát triển giấy dừa thành sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng”.
Bảo Hòa
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/giay-dua-da-nang-dai-vang-tu-rac-lam-gi-khi-bi-an-cap-mau-qua-nhieu-a447284.html