Điện thoại là từ khóa quan trọng khi nhắc đến những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Chiếc điện thoại di động đầu tiên ra đời năm 1983, và cho đến nay điện thoại thông minh là tài sản quý giá nhất của mỗi người.
Ngoài giá trị cao, chúng còn chứa nhiều thông tin nhạy cảm, riêng tư như mật khẩu, số thẻ tín dụng, nội dung và hình ảnh các tài liệu quan trọng.
Với nhiều thông tin quý giá lưu trữ trên điện thoại, người dùng luôn phải bảo vệ thiết bị khỏi tác nhân xấu. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo 8 lời khuyên hữu ích của NSA (Cơ quan tình báo Chính phủ Hoa Kỳ) về cách bảo đảm an toàn cho thiết bị di động.
Theo NSA, người dùng nên "cập nhật phần mềm và ứng dụng trên thiết bị càng sớm càng tốt". Các bản cập nhật đi kèm với hệ điều hành gốc của điện thoại và một số ứng dụng có thể chứa bản cập nhật bảo mật quan trọng hoặc bản sửa lỗi giúp điện thoại an toàn.
Ngoài việc cập nhật, NSA khuyên người dùng nên cài đặt "ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thống và với số lượng tối thiểu". Đối với điện thoại Android, cửa hàng ứng dụng chính thức là Google Play, còn đối với iPhone là App Store.
Khi người dùng thực hiện tải ứng dụng trực tiếp từ kho cửa hàng chính thống sẽ có thêm một lớp bảo vệ, bởi Google và Apple đã kiểm duyệt chất lượng ứng dụng trước khi đưa lên nền tảng. Quá trình kiểm duyệt này giúp ngăn chặn phần mềm độc hại xâm nhập vào kho ứng dụng. Tuy nhiên, an toàn sẽ không được đảm bảo nếu bạn tải ứng dụng từ bên ngoài.
Kết nối với mạng Wi-Fi công cộng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bạn cùng đăng nhập mạng với tin tặc. NSA in đậm khuyến cáo, nhấn mạnh cần hạn chế kết nối Wi-Fi công cộng, "KHÔNG NÊN kết nối với mạng Wi-Fi công cộng".
Hơn nữa, NSA khuyên người dùng nên tắt Wi-Fi điện thoại khi không cần thiết và xóa một số mạng Wi-Fi không còn sử dụng khỏi điện thoại. Bằng cách này, bạn có thể tránh việc điện thoại tự động kết nối đến mạng Wi-Fi công cộng.
Nếu buộc phải sử dụng Wi-Fi công cộng thường xuyên, người dùng nên cân nhắc sử dụng dịch vụ VPN trên điện thoại để tăng cường bảo mật.
Đây có vẻ như lời khuyên hiển nhiên, nhưng lại rất cần thiết và quan trọng. Nếu bạn nhận được liên kết, tệp đính kèm trong email, tin nhắn trên điện thoại của người lạ hoặc trông nghi ngờ, đừng mở liên kết hoặc tệp đính kèm đó.
NSA chỉ ra rằng "ngay cả những người thân cận cũng có thể vô tình gửi nội dung độc hại do bị xâm phạm hoặc mạo danh bởi kẻ gian". Vì vậy, ngay cả khi bạn đã quen với việc nhận liên kết bài viết ngẫu nhiên từ gia đình hay bạn bè, hãy kiểm tra thật kỹ liên kết trước khi ấn mở.
Nếu bạn phát hiện lỗi đánh máy ở tên trang web nổi tiếng, một chuỗi ký tự ngẫu nhiên trước đuôi ".com" hoặc bất kỳ điều gì đáng ngờ khác, thì không nên mở liên kết.
Một trong những mẹo thú vị (có thể ít người biết) để giữ an toàn cho điện thoại chính là tắt nguồn, khởi động lại thiết bị hàng tuần.
USA Today trích dẫn việc tắt và bật thiết bị "có thể ngăn chặn tin tặc đánh cắp thông tin từ điện thoại thông minh". Ông Bill Marczak, nhà nghiên cứu cao cấp tại Citizen Lab, cho biết tin tặc có thể "gửi lệnh 'zero-click' đơn giản khác bằng một cú kích chuột" sau khi người dùng khởi động lại điện thoại. Tuy nhiên, đây vẫn là thủ thuật bảo mật nhanh chóng có thể khiến một số tin tặc từ bỏ mục tiêu nhắm vào điện thoại của bạn.
Hầu hết người dùng smartphone hiện nay đều sử dụng mã PIN trên điện thoại và nếu bạn chưa có thì nên thiết lập ngay. Việc nhập mã PIN chỉ tốn vài giây nhưng hiệu quả bảo mật được tăng cường đáng kể.
NSA cho biết "mã PIN gồm 6 chữ số là an toàn nếu thiết bị tự xóa dữ liệu sau mười lần nhập sai mật khẩu".
Lưu ý, trước khi bạn sử dụng ngày sinh làm mã PIN 6 chữ số cho dễ nhớ, hãy suy nghĩ thật kỹ. Dự đoán ngày sinh nhật là bản năng đầu tiên của tin tặc, vì vậy hãy áp dụng mã PIN với 6 chữ số độc đáo. Nếu lo lắng vì không thể nhớ, hãy ghi ra giấy hoặc chia sẻ với một người bạn, đối tác đáng tin câỵ.
Theo NSA, người dùng cũng nên "cài đặt thiết bị tự động khóa 5 phút sau khi nhập sai mật khẩu".
Lưu ý này không chỉ đơn thuần là giữ chắc thiết bị bên cạnh và tránh thất lạc. NSA nhấn mạnh "không kết nối với tất cả thiết bị lưu trữ di động không rõ nguồn gốc".
Việc kết nối điện thoại với máy tính xách tay để gửi ảnh, video và các tệp khác là điều bình thường. Tuy nhiên, không nên kết nối điện thoại với ổ cứng hay thiết bị lưu trữ lạ. Một số "thiết bị lưu trữ di động" khác có thể kể đến bao gồm thẻ nhớ và ổ flash USB.
NSA "chỉ sử dụng dây sạc chính hãng hoặc phụ kiện sạc mua từ nhà sản xuất uy tín".
Điều đó có nghĩa người dùng nên tránh xa việc kết nối với các trạm sạc công cộng. Thông qua cổng USB đã xâm nhập, kẻ xấu có thể khóa điện thoại, đánh cắp mật khẩu hay xuất nhiều dữ liệu nhạy cảm khác.
Đôi khi trong cuộc sống, những tình huống không mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta không thể dự đoán ai đó sẽ đánh cắp điện thoại hay dữ liệu để phòng tránh. Do đó, bạn cần làm mọi cách để bảo vệ điện thoại và dữ liệu.
Ngoài 8 lời khuyên hàng đầu ở trên, NSA cũng khuyến nghị người dùng thêm một số lưu ý như: tắt Bluetooth khi không cần thiết; sử dụng ốp lưng có tính năng bảo vệ "ngăn micro thu âm thanh trong phòng"; che camera trước khi không sử dụng; vô hiệu hóa tính năng xác định vị trí. Ngoài ra, sử dụng mật mã sinh trắc học cho điện thoại và tránh xa những thiết bị lạ khi có những cuộc trò chuyện nhạy cảm.
Hiện nay, biện pháp bảo vệ tích hợp trên iPhone và điện thoại Android được cải thiện từng ngày, tuy nhiên không thể đảm bảo an toàn 100%. Phần mềm độc hại mới vẫn liên tục xuất hiện, vì vậy làm theo các mẹo bảo mật được gợi ý là rất quan trọng để giữ cho điện thoại được bảo vệ tối đa.