Tại sao ngành xuất bản lo ngại AI?

Nhiều chuyên gia trong ngành xuất bản đang lo sợ sự phát triển của AI. Ngoài tác động tích cực, AI cũng kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực và những vùng tác động xám chưa hiện hữu rõ.

Nhiều chuyên gia trong ngành xuất bản đang lo sợ sự phát triển của AI. Ngoài tác động tích cực, AI cũng kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực và những vùng tác động xám chưa hiện hữu rõ.

Theo chuyên trang về công nghệ Hackernoon, với tốc độ phát triển nhanh chóng, AI đang dần xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của ngành xuất bản. Vào năm 2023, 47% nhà xuất bản sách có trụ sở tại Mỹ sử dụng các công cụ AI để tiếp thị, 25% cho công việc biên tập và 12% trong việc sáng tạo nội dung.

Các công ty xuất bản hiện cũng có thể sử dụng AI trong các vai trò viết, biên tập, quảng cáo hoặc hành chính giấy tờ ở một mức độ nhất định.

Thương mại điện tử, nổi bật là Amazon, đã thay đổi đáng kể ngành công nghiệp sách. Ảnh: GeekWire.

 

xuat ban AI anh 1

AI là mối đe dọa lớn nhất

Trong suốt lịch sử phát triển của ngành xuất bản, đã có nhiều yếu tố được coi là những bước ngoặt như sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của sách điện tử, sách nói, thương mại điện tử, tự xuất bản...

Ví dụ, về thương mại điện tử, tại thị trường Mỹ, 55% doanh số bán sách đang thông qua Amazon. Hay như xu hướng tự xuất bản, số lượng sách tự xuất bản giai đoạn 2010-2018 tăng trưởng vượt bậc từ khoảng hơn 153.000 cuốn đến hơn 1,6 triệu cuốn/năm, theo dữ liệu từ trang Statista.

Cũng đã có bước tiến về công nghệ trong ngành in. 20% số sách hiện nay được in theo công nghệ kỹ thuật số, công nghệ in 2D hiện đại nhất hiện nay và con số này được dự báo tăng lên khoảng 30% vào năm 2028.

Như vậy, mặc dù không phải kẻ đột phá đầu tiên nhưng AI đang là kẻ mang đến đột phá lớn nhất cho ngành xuất bản. Liệu thế giới có cần tác giả, biên tập viên hay đại diện văn học khi các thuật toán có thể thực hiện công việc của họ miễn phí?

Đã có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản sách bày tỏ lo ngại về điều này. Một số chương trình AI tổng quát chất lượng cao có thể viết tiểu thuyết, hiệu đính, chỉnh sửa, thiết kế trang bìa, làm tài liệu tiếp thị, đăng tải bài lên mạng xã hội, phân phối các ấn bản điện tử hay xử lý công việc kế toán. Thêm vào đó, các công cụ này, với những cái tên hàng đầu như ChatGPT, Midjourney, LaMDA, Claude... rất dễ sử dụng và không cần đến người có chuyên môn.

Trong khi chất lượng của các sản phẩm sáng tạo do AI tạo ra hiện chưa thể so sánh với con người thì chúng đang dần được cải thiện khi các công ty liên tục cập nhật và nâng cấp các phiên bản. Thêm vào đó, số lượng các chương trình AI tổng quát cũng không ngừng gia tăng khi giới đầu tư công nghệ như Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Meta, Apple... liên tục rót vốn cho các công ty khởi nghiệp AI.

Ngoài việc số lượng không ngừng gia tăng, chất lượng các các nền tảng AI tổng quát trong sáng tạo nội dung, hình ảnh, video... cũng liên tục được nâng cao. Ảnh: Perfect Corp.

 

xuat ban AI anh 2

Tác động tiêu cực đối với ngành xuất bản

Đầu tiên, AI đang thay thế dần một số vị trí trong ngành xuất bản. Trong khi vẫn có một số đơn vị đánh giá cao nội dung do con người viết ra và đang có sự phát triển mạnh của các hệ thống phát hiện sản phẩm từ AI, giá thành rẻ từ AI đang là một yếu tố thu hút với với các chủ doanh nghiệp.

Olivia Lipkin là một người viết quảng cáo và các bài đăng tiếp thị. Tuy nhiên, khối lượng công việc của Lipkin đã giảm dần sau khi ChatGPT ra mắt. Lipkin thậm chí còn cho biết bộ phận quản lý đã đổi tên cô thành “Olivia/ChatGPT” trong nhóm chat giao việc của công ty. Trong vòng vài tháng kể từ khi công cụ này thịnh hành, Lipkin đã bị cho nghỉ việc mà không có lời giải thích. Sau cùng, Lipkin phát hiện ra rằng người quản lý nhận thấy AI có giá trị kinh tế hơn nhiều.

Ngoài vấn đề giảm số lượng nhân lực, AI cũng đang dấy lên nhiều tranh cãi về bản quyền. Các thuật toán không thể tự mình tạo ra nội dung và chúng phải sử dụng tác phẩm của con người để làm nguồn nội dung gốc. Ví dụ, Books3 là bộ dữ liệu gồm gần 200.000 cuốn tiểu thuyết lậu được sử dụng làm nguồn cho các hệ thống AI tổng quát. Hầu hết chúng là các tác phẩm được xuất bản trong vòng 20 năm qua nên nhiều tác giả còn sống bị ảnh hưởng.

Và đây không phải hành vi của riêng ai trong giới AI. OpenAI, đơn vị đứng sau ChatGPT, cho rằng không thể phát triển các mô hình này nếu không cho họ sử dụng các tài liệu có bản quyền vì những nội dung công cộng không “đáp ứng được nhu cầu” của mọi người.

Thêm vào đó, vẫn chưa có quy định hiện hành nào bảo vệ quyền lợi của các tác giả, đại diện văn học và nhà xuất bản. Gần đây, một tài liệu dài 24 trang tiết lộ rằng Midjourney có cơ sở dữ liệu gồm khoảng 16.000 cá nhân có tác phẩm nghệ thuật đang được công cụ này sử dụng. Tuy nhiên, vẫn chưa có động thái quản lý, pháp lý nào đối với tài liệu này.

Ở nhiều quốc gia, kiện là giải pháp duy nhất đối với các nhà sáng tạo. Tuy nhiên, không gì đảm bảo họ sẽ thành công. Họ thậm chí sẽ phải chiến đấu chống lại những gã khổng lồ công nghệ với nguồn tài lực, vật lực dồi dào.

Tác động trong vùng xám

Trong quá trình phát triển, hệ lụy của AI tới ngành xuất bản cũng chưa hoàn toàn rõ ràng. Có một vùng màu xám nơi AI có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực tùy theo cách chúng được sử dụng.

Đầu tiên là khả năng biên tập, xét duyệt nội dung. Với khả năng đánh giá nội dung bằng tốc độ chưa từng có, AI có thể đẩy nhanh quá trình biên tập và duyệt, từ đó giúp nhiều tác phẩm được xuất bản hơn. Tuy nhiên, nội dung văn học với nhiều giá trị và ý nghĩa đôi khi khiến AI đánh giá sai và đưa ra các quyết định sai lầm, điều khiến các tác phẩm tốt có thể bị bỏ qua.

Một tính năng nữa là hỗ trợ phát triển mảng tự xuất bản. Hiện tại, mọi người đều có thể truy cập AI với yêu cầu sáng tạo nội dung theo ý thích, thiết kế bìa và sau đó viết bài quảng cáo. Những tính năng này giúp việc tự xuất bản trở nên dễ dàng hơn và có thể giúp những nhà văn gặp khó khăn với việc xuất bản hiện có thể thực hiện được ước mơ của mình.

Tuy nhiên, nhiều kẻ xấu đang lợi dụng sự tiện lợi này để tạo ra các tác phẩm chất lượng kém, giả mạo hay thậm chí đánh cắp danh tính của những tác giả thật sự. Một ví dụ là Jane Friedman, người mới ra mắt được 3 cuốn sách nhưng đã phát hiện ra 6 cuốn khác mang tên bà.

Một vấn đề tiềm ẩn khác với việc tự xuất bản là khi có AI trợ giúp, nhiều nhà văn không cần sự trợ giúp chuyên nghiệp nữa. Nếu xu hướng này ngày càng trở nên mạnh mẽ trong tương lai, xuất bản truyền thống sẽ bị sụt giảm mạnh và câu hỏi về sự sụp đổ sẽ dần được đặt ra.

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/tai-sao-nganh-xuat-ban-lo-ngai-ai-a447612.html