Cuộc tranh giành nhân tài trí tuệ nhân tạo (AI) đang gia tăng ở Trung Quốc khi các gã khổng lồ công nghệ địa phương đưa ra những mức thu nhập hấp dẫn nhằm thuê những nhân sự hàng đầu trước cuộc cạnh tranh về AI ngày một nóng bỏng.
Cụ thể, Xiaomi - gã khổng lồ điện thoại thông minh có trụ sở tại Bắc Kinh sẽ tổ chức một buổi tuyển dụng đặc biệt dành cho các chuyên gia AI trong các lĩnh vực bao gồm mô hình AI, hệ thống thị giác máy tính, học sâu, xe tự động lái, ngôn ngữ,...
Xiaomi chỉ là công ty mới nhất trong danh sách dài các công ty Big Tech của Trung Quốc đang gấp rút tăng cường nhân lực AI trong nỗ lực bắt kịp các công ty Mỹ tại cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Chủ sở hữu TikTok, ByteDance, nhà điều hành công cụ tìm kiếm Baidu và gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan đều đang tăng cường tuyển dụng các vị trí AI.
Theo một báo cáo, đợt tuyển dụng đó tương ứng với nhu cầu ngày càng tăng về nhân tài AI trên khắp Trung Quốc trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là đối với các chuyên gia xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), những người được cả các công ty lâu đời và các công ty khởi nghiệp non trẻ săn đón.
Báo cáo cho biết, nhu cầu về nhân tài NLP đã tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2024. Những công việc đó kiếm được trung bình 24.007 nhân dân tệ ( tương đương 3.350 USD) tiền lương hàng tháng, cao hơn gấp đôi mức lương 11.000 nhân dân tệ mà một nhân viên CNTT trung bình kiếm được ở Trung Quốc.
Nhu cầu về nhân tài deep learning tăng 61%, với mức lương trung bình là 26.279 nhân dân tệ (tương đương hơn 3.600 USD). Nhu cầu về kỹ sư chuyên về thuật toán robot tăng 76%, trong khi nhu cầu về các vị trí tập trung vào hệ thống lái xe thông minh và thuật toán điều hướng tăng khoảng 50%.
Theo báo cáo, việc các công ty sẵn sàng trả mức lương cao hơn phản ánh tính cấp thiết trong nỗ lực tuyển dụng của họ cũng như sự khan hiếm nhân tài AI hàng đầu ở Trung Quốc.
Trong số các thành phố hàng đầu của Trung Quốc, Bắc Kinh là nơi khao khát nhân tài nhất. Báo cáo cho biết thủ đô, nơi đặt trụ sở của nhiều cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu công nghệ và các công ty khởi nghiệp, chiếm 1/5 số việc làm liên quan đến AI trong cả nước.
Bắc Kinh, cùng với trung tâm công nghệ phía nam Thâm Quyến, trung tâm tài chính ven biển phía đông Thượng Hải, cảng phía nam Quảng Châu và Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh miền đông Chiết Giang, đã tạo thành 5 thành phố hàng đầu của đất nước về phát triển AI.
Theo báo cáo, những khu vực này với nền kinh tế sôi động, có nhiều nguồn lực hơn để phát triển ngành công nghiệp AI của họ, trong khi những vùng ngoại ô của Trung Quốc có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, làm trầm trọng thêm khoảng cách công nghệ của họ.
Trung Quốc có khoảng 43 trường và viện nghiên cứu AI trên cả nước. Số lượng các trường đại học đào tạo chuyên ngành AI bậc cử nhân đã vượt quá 500 cơ sở. Theo Reuters, nhu cầu về nhân lực AI được dự báo sẽ tăng mạnh ở Trung Quốc, nhưng thực tế nhiều công ty lại không tuyển dụng được nhân sự phù hợp. Một nghiên cứu được công bố vào cuối năm ngoái bởi trang mạng xã hội nghề nghiệp Maimai cho thấy, cứ 5 công việc AI mới ở Trung Quốc thì chỉ có 2 nhân sự đủ tiêu chuẩn có sẵn trên thị trường.
Một khảo sát khác của McKinsey & Company cho thấy, hơn một nửa công ty AI của Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân tài, nhất là những vị trí kỹ sư dữ liệu và kỹ sư máy học.
Tước đó truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng phản ánh tình trạng các trường đại học ồ ạt mở ngành học AI nhưng lại thiếu nguồn lực nghiên cứu, khiến chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Chưa kể, nỗ lực mở rộng đào tạo AI diễn ra trong bối cảnh ngành công nghệ đang phải cắt giảm nhân sự và nhiều sinh viên tốt nghiệp không thể tìm kiếm việc làm.
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/kinh-te-so-a447887.html