Tại Diễn đàn Hợp tác số Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024 với chủ đề "Việt -Hàn: Bạn đồng hành hướng tới thời đại AI" diễn ra hôm 21/11, đại diện Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã trình bày những kết quả đáng chú ý trong quá trình triển khai Đề án 06 liên quan đến thủ tục hành chính liên thông và Nghị quyết số 175 phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Theo đó, đề án 06 của Chính phủ đã nâng cao hiệu quả quản lý cho nhiều bộ ngành, trong đó phải kể đến một số thủ tục - giấy tờ hành chính trước đây phải đến trực tiếp các cơ sở hành chính, hiện nay đã được cấp hoàn trên môi trường điện tử.
Lấy ví dụ, đại diện Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cho biết với giấy chứng sinh của một đứa trẻ mới ra đời, bố mẹ hiện có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện thủ tục hành chính liên thông, bao gồm đăng ký khai sinh tại Bộ Tư pháp, dữ liệu sau đó chuyển về phía Bộ Công an để đăng ký thường trú, tiếp đó chuyển qua Bộ Y tế để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Toàn bộ quy trình này hiện đã có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến. Sau đó, giấy khai sinh và thẻ y tế của đứa trẻ có thể được chuyển đến tận nhà.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Trung tâm dữ liệu quốc gia được định hướng phát triển thành kho dữ liệu tổng hợp. Đây sẽ là trụ cột để phát triển và hình thành các sản phẩm số, các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước để thực hiện chia sẻ, kết nối và tạo ra nhiều giá trị mới để khai thác dữ liệu chung.
Trong nỗ lực phát triển Chính phủ số, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ tiếp tục cải cách và cắt giảm tinh gọn bộ máy hành chính cũng như các thủ tục hành chính. Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử và nằm trong 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, cắt giảm ít nhất 20% thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước so với hiện nay đồng thời nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.
Về lộ trình xây dựng và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia, đại diện Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cho biết sẽ có ba giai đoạn chính.
Giai đoạn thứ nhất từ nay cho đến 2025 sẽ xây dựng và hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia số một đồng thời hoàn thành cơ sở hạ tầng công nghệ để quản trị dữ liệu của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị/xã hội... có nhu cầu đặt dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia; cung cấp dịch vụ, chia sẻ dữ liệu từ kho dữ liệu dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp để khai thác, sử dụng, phục vụ các cái mục đích về sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn thứ hai từ năm 2026 - 2028 sẽ mở rộng xây dựng và lắp đặt thiết bị tại Trung tâm dữ liệu quốc gia số hai đồng thời hoàn thiện xây dựng, bổ sung năng lực hạ tầng trung tâm dữ liệu số một.
Giai đoạn thứ ba từ năm 2029 - 2030 triển khai bổ sung tài nguyên cho các trung tâm dữ liệu quốc gia số một và số hai theo nhu cầu mở rộng phát triển của các bộ, ngành. Ngoài ra, trong giai đoạn này cũng sẽ xây dựng và lắp đặt thiết bị tại trung tâm dữ liệu quốc gia số ba.
Trung tâm dữ liệu quốc gia là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm hình thành kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia là nền tảng gốc để cung cấp các dịch vụ liên quan đến dữ liệu và các dịch vụ có liên quan bao gồm hoạch định, kiến tạo và xây dựng, phát triển các chính sách về Chính phủ số xã hội số và kinh tế số,... đồng thời cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các tổ chức chính trị xã hội để khai thác nguồn dữ liệu này để nâng cao hiệu quả đối với từng nhiệm vụ của bộ ngành.
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/kinh-te-so-a447897.html