Ước tính sẽ có 100 triệu người dân Việt Nam dùng Internet vào năm 2029

Theo số liệu của Statista, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam được dự báo sẽ liên tục tăng trong giai đoạn dự báo từ 2024 - 2029, ước tính sẽ đạt khoảng 100 triệu người dùng Internet… 

Ngày 27/11, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI). 

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho biết Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển Internet, trong đó từ năm 2004 - 2010, Internet và băng thông rộng đã phát triển bùng nổ tại Việt Nam. Năm 2011 - 2015 là giai đoạn Việt Nam tập trung triển khai Internet di động. Từ năm 2016 đến nay là kỷ nguyên của băng thông rộng và IoT với các bước tiến như 4G và thử nghiệm và triển khai 5G.

Về số lượng người dùng Internet, ông Liên cho biết năm 2008, Việt Nam đạt mốc 20 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 24% dân số, tuy nhiên đến năm 2014, Việt Nam có hơn 40% dân số sử dụng Internet. Số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam được dự báo sẽ liên tục tăng trong giai đoạn 2024-2029. Ước tính, Việt Nam sẽ có khoảng 100 triệu người dùng Internet vào năm 2029.

Mỗi giai đoạn không chỉ đánh dấu sự thay đổi về công nghệ mà còn về văn hóa sử dụng Internet tại Việt Nam. Tương lai Internet Việt Nam hứa hẹn có thêm nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi và phát triển nhanh chóng, đồng thời nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ. 

Với sự sẵn sàng hạ tầng và sự quan tâm của Chính phủ thông qua việc ban hành các chính sách, chiến lược định hướng quản lý và phát triển hạ tầng số, Việt Nam đang ngày càng cho thấy tiềm năng trở thành trung tâm đổi mới về AI, IoT,…

Tuy nhiên, ông Vũ Hoàng Liên cho rằng để thị trường thực sự bứt phá, Việt Nam cần tăng cường hợp tác giữa các nước, các doanh nghiệp và cả các doanh nghiệp công nghệ số. 

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), hạ tầng số đã và đang trở thành hạ tầng chiến lược cho phát triển kinh tế xã hội quan trọng như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước,... Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong triển khai 5G tại Việt Nam, với việc đấu giá thành công các băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz), C2 (3.700 - 3.800 MHz) và C3 (3.800 - 3.900 MHz) cho các nhà mạng.

Các nhà mạng lớn của Việt Nam, bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone đã tích cực triển khai công nghệ 5G trên toàn quốc trong thời gian qua. Bước sang năm 2025, Việt Nam sẽ đưa vào khai thác thêm ít nhất hai tuyến cáp quang mới và sẽ bổ sung ít nhất 8 tuyến nữa vào năm 2030. 

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng Internet không chỉ để kết nối mà còn là động lực lực thúc đẩy các công nghệ tiên phong như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng Internet không chỉ để kết nối mà còn là động lực lực thúc đẩy các công nghệ tiên phong như trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu tổng công suất các trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt 870 MW. Theo báo cáo từ Research and Markets, Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu lớn, tập trung ở các khu vực kinh tế trọng điểm. Con số này dự kiến tăng lên nhờ nhu cầu ngày càng cao, ước đạt 1.266 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%. 

Statista báo cáo tổng chi tiêu cho trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới năm 2023 đạt 227 tỷ USD và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi nhu cầu xử lý dữ liệu gia tăng bởi AI và IoT. 

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết trong 5 giai đoạn phát triển của Internet, Việt Nam hiện đã trong giai đoạn thứ 4 (Internet of people) và đang chuyển sang giai đoạn thứ 5 với tập trung phát triển các giải pháp IoT. Năm 2013, Việt Nam bắt đầu ipv6 đưa vào hoạt động, tuy nhiên, trong 3 năm tới, 2027-2028 sẽ là giai đoạn bước ngoặt, Việt Nam sẽ tập trung triển khai iPv6 để đến năm 2030 hoàn tất tắt iPv4. 

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cần cẩn trọng trong nỗ lực thực hiện những bước nhảy vọt trong triển khai hạ tầng viễn thông  Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cần cẩn trọng trong nỗ lực thực hiện những bước nhảy vọt trong triển khai hạ tầng viễn thông 

Theo báo cáo của MarketsandMarkets, thị trường điện toán đám mây toàn cầu dự kiến đạt giá trị 1.2 nghìn tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) là 17,9% giai đoạn 2022-2027. 

Trong khi đó, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam năm 2023 đạt giá trị ước tính khoảng 480 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 25-30%. Dự báo đến năm 2025, con số này có thể vượt 1 tỷ USD, trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á.

Một khảo sát gần đây cho thấy 90% doanh nghiệp tại Việt Nam đã hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng các đám mây nội địa vẫn còn hạn chế, chiếm chưa đến 40% thị phần. Điều này cho thấy tiềm năng và nhiệm vụ lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/kinh-te-so-a447913.html