Lần đầu tiên Việt Nam giới thiệu máy bay không người lái (UAV) cự ly 1.000 km

Nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu tiên được trình làng như máy bay không người lái (UAV), tổ hợp trinh sát, gây nhiễu UAV và đặc biệt có những UAV có cự ly 1.000km...

Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 được Bộ Quốc phòng tổ chức từ ngày 19-22/12 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, với quy mô lớn hơn cả về diện tích so với lần 1 năm 2022.

Triển lãm lần này sẽ trưng bày sản phẩm quốc phòng của 242 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong đó nhiều đơn vị, tập đoàn quốc phòng nổi tiếng đến từ các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, phát triển như Nga, Ấn Độ, Israel, Trung Quốc, Mỹ...

Tham gia triển lãm, Việt Nam có sự góp mặt của nhiều chủng loại khí tài, vũ khí của 77 đơn vị, là sản phẩm của "tự chủ công nghiệp quốc phòng" như Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel)...

Ngoài các khí tài như máy bay, tên lửa, xe tăng, xe bọc thép, ra đa… thì thiết bị bay không người lái (UAV) tích hợp các công nghệ tiên tiến cũng được trình làng tại triển lãm quốc phòng quốc tế lần này.

Nhiều loại khí tài quân sự mới do ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tự phát triển, sản xuất, lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm. Trong đó, Tập đoàn Viettel trưng bày trên 80 sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, thuộc 10 ngành gồm Radar, Quang điện tử, Tác chiến điện tử, Thông tin quân sự, Huấn luyện mô phỏng, Chỉ huy điều khiển, UAV, Hàng không vũ trụ, Tác chiến không gian mạng, An ninh mạng và gần 30 sản phẩm công nghệ thuộc lĩnh vực dân sự trên diện tích 2.600m2.

Đây là những sản phẩm công nghệ do chính Việt Nam làm chủ, nghiên cứu và sản xuất, góp phần thể hiện sức mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Đáng chú ý, có nhiều sản phẩm Viettel phục vụ tác chiến hiện đại lần đầu tiên được giới thiệu như máy bay không người lái (UAV) cự ly 1.000 km, tổ hợp trinh sát và gây nhiễu chống UAV, radar điều khiển hoả lực quét búp sóng điện tử chủ động (beam-forming)…

Hệ sinh thái sản phẩm này được xây dựng theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới, bao gồm 4 chức năng: Trinh sát, thu thập thông tin - Truyền nhận thông tin - Xử lý thông tin để ra quyết định - Vũ khí công nghệ cao trên các môi trường tác chiến trong vũ trụ, trên không, trên biển, trên bộ và không gian mạng.

Nhiều vũ khí trang bị công nghệ cao đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công và sản xuất loạt để đưa vào trang bị cho quân đội. Viettel cũng cho biết đã triển khai thành công các hệ thống tác chiến trên không gian mạng và các hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo của Quân đội.

Các sản phẩm đưa vào trang bị cho Quân đội được đánh giá có mức độ tương đương hoặc vượt trội so với sản phẩm đã mua của nước ngoài trước đây, phù hợp với điều kiện tác chiến của Quân đội, đảm bảo tính bảo mật, tự chủ trong sản xuất, công tác hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành, bảo trì, góp phần quan trọng nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: “Mục tiêu chiến lược của Viettel trong việc nghiên cứu sản xuất công nghệ cao là tạo ra các sản phẩm lưỡng dụng, hiện đại thông minh hơn, nhanh hơn, chính xác hơn, uy lực hơn. Các sản phẩm quân sự công nghệ cao của Viettel sẽ phù hợp với điều kiện môi trường, phương thức tác chiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế”.      

Tại gian hàng trưng bày các sản phẩm kinh tế quốc phòng, Viettel đem đến các hệ sinh thái sản phẩm công nghiệp 4.0 đang tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số tại Việt Nam và các thị trường tập đoàn đầu tư như: Hệ sinh thái 5G, Hạ tầng Logistics Viettel, Nhà máy thông minh, Năng lượng xanh, Thành phố thông minh và các giải pháp thông minh cho người dân.

Một số sản phẩm lưỡng dụng sử dụng công nghệ hiện đại, có tính dẫn dắt thị trường, cạnh tranh quốc tế cũng được giới thiệu như công nghệ beam-forming ứng dụng trong cả radar và thiết bị 5G tạo ra tín hiệu truyền phát mạnh hơn, chính xác hơn; Công nghệ thị giác máy tính ứng dụng trong UAV và nhà máy thông minh; Xử lý dữ liệu lớn ứng dụng trong chỉ huy điều khiển và điều hành thành phố thông minh; Thực tế ảo (AR/VR) ứng dụng trong mô hình huấn luyện và mô hình đào tạo lái xe, ứng dụng giải trí số…

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/kinh-te-so-a447958.html