Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày ở Trung Quốc, trong đó nổi bật là chatbot Doubao do ByteDance phát triển, cũng là ứng dụng AI được sử dụng rộng rãi thứ hai toàn cầu.
“Tôi đã cãi nhau với vợ, chúng tôi có thể làm hòa như thế nào?", một nhân viên văn phòng 37 tuổi ở thành phố Đại Liên, đông bắc Trung Quốc, thường xuyên tìm kiếm trợ giúp từ trợ lý AI mỗi khi gặp vấn đề, cho biết.
Doubao, ra mắt vào tháng 6 năm 2023, cung cấp các cuộc trò chuyện và lời khuyên thông qua các hình ảnh đại diện ảo (avatar), từ bạn học cùng tiếng Anh cho đến đóng giả người yêu.
Người dùng có thể trò chuyện với các nhân vật được mô phỏng từ cả hư cấu và người thật, như Elon Musk hay Son Goku.
AI dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tại Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia
Ứng dụng này miễn phí cho người dùng, trong khi phiên bản thương mại của mô hình cơ bản cũng chỉ thu phí chưa đến 1% so với đối thủ ChatGPT của Mỹ.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Aicpb.com, Doubao đã đứng đầu trong số các ứng dụng AI nội địa tại Trung Quốc với 51,3 triệu người dùng vào tháng 10 năm 2023.
Mặc dù đứng thứ hai trên toàn cầu, nhưng Doubao vẫn còn rất xa so với con số 258,16 triệu người dùng của ChatGPT.
Các ứng dụng AI trong danh sách top 10 toàn cầu hiện nay chủ yếu là của các công ty từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên phần lớn các ứng dụng phát triển trên nền tảng mô hình của OpenAI.
Ngược lại, các ứng dụng Trung Quốc như Doubao lại sử dụng các mô hình nội địa.
Vào tháng 9 năm 2023, Ant Group, công ty con của Alibaba, đã ra mắt trợ lý AI riêng mang tên Zhixiaobao, có thể kết nối với dịch vụ thanh toán Alipay nổi tiếng cũng như nhiều ứng dụng bên ngoài.
Chatbot này có thể được sử dụng để gọi taxi, thanh toán hóa đơn điện thoại di động, hoặc đặt đồ ăn, đồ uống tại các địa điểm như Starbucks.
Mặc dù công nghệ AI của Trung Quốc vẫn bị cho là chưa theo kịp Mỹ, nhưng quốc gia này lại dẫn đầu trong việc phát triển các ứng dụng AI kết nối xuyên nền tảng, mang lại sự tiện lợi cho người dùng.
Theo khảo sát của Vention, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, tỷ lệ sử dụng AI tại Trung Quốc hiện đang ở mức gần 60%, nổi bật hơn so với các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, nơi tỷ lệ này dao động quanh mức 30%.
Theo ước tính của iiMedia Research, thị trường AI sinh sinh tại Trung Quốc sẽ đạt giá trị 27,67 tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,81 tỷ USD) vào năm 2028.
Cạnh tranh trong lĩnh vực AI ngày càng gay gắt. Tính đến tháng 6/2023, Trung Quốc có 5.734 công ty AI, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ - trích số liệu từ Viện Hàn lâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc.
Ngoài các công ty lớn như Alibaba, nhiều startup nổi bật cũng đã phát triển mô hình AI riêng của mình.
Các công ty lớn đang giảm giá để cạnh tranh thu hút người dùng, điều này cho thấy khả năng sinh lời của lĩnh vực AI vẫn khó có thể đạt được trong tương lai gần.
Các công ty AI Trung Quốc có thể sẽ tìm cách mở rộng ra thị trường quốc tế và khi đó sẽ phải đối mặt với các quy định khác nhau tại những thị trường này.
Chẳng hạn, châu Âu tập trung kiểm soát việc thực thi quy định bảo vệ thông tin cá nhân, trong khi Mỹ và Nhật Bản lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ cũng như lộ lọt dữ liệu.
"Nếu các công ty có thể chứng minh được sự tuân thủ các quy định địa phương, có thể có các quốc gia mới nổi sẵn sàng chào đón AI Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác với các dịch vụ thương mại điện tử, vì tính dễ sử dụng và giá cả phải chăng", Li Zhihui từ Viện Nghiên cứu Nomura nhận định.
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/trung-quoc-vuot-my-ve-ung-dung-ai-trong-doi-song-hang-ngay-a447980.html