Cảnh báo của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chỉ ra rằng, các đối tượng lừa đảo, giả mạo nhân viên điện lực thường sử dụng phương thức gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, SMS để thông báo rằng, người dân đang gặp vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo còn có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại - caller ID spoofing để số điện thoại của chúng hiện lên giống số điện thoại chính thức của công ty điện lực.
Điều này làm tăng độ tin cậy của cuộc gọi và khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng.
Tiếp đó, kẻ lừa đảo yêu cầu người dân thanh toán ngay lập tức qua các kênh không chính thức như Zalo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng.
Để gây thêm áp lực, chúng có thể đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang, thực hiện theo yêu cầu.
Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện. Ảnh: NCSC
Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện, đồng thời cung cấp các thông tin như số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả để người dân truy cập vào và thực hiện thanh toán.
Tin nhắn hoặc cuộc gọi thường có nội dung như: “Thông báo tiền điện của bạn tháng này chưa thanh toán. Vui lòng thanh toán qua tài khoản ngân hàng dưới đây để tránh bị cắt điện” hoặc “Hệ thống ghi nhận hóa đơn điện của bạn chưa thanh toán. Để tránh cắt điện, vui lòng thanh toán ngay”.
Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện, kẻ lừa đảo có thể gửi đường dẫn đến website thanh toán giả mạo hoặc ứng dụng giả mạo trang web, app của công ty điện lực để khách hàng truy cập vào.
Website giả mạo trang thông tin điện tử của EVN. Ảnh: NCSC
Khi người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin cá nhân vào website hay ứng dụng giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền và thông tin.
Không những thế, để tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn điều tra tên, địa chỉ, hoá đơn điện... của khách hàng được đánh cắp từ các nguồn khác.
Tinh vi hơn, kẻ lừa đảo còn gửi mã QR thanh toán được thiết kế với logo của Điện lực Việt Nam - EVN, khiến nạn nhân không nghi ngờ và quét mã thanh toán số tiền đã được đối tượng nhập sẵn.
Cục An toàn thông tin cho hay, 2 Tổng công ty Điện lực TPHCM - EVNHCMC và Điện lực TP Hà Nội - EVNHANOI đều đã xác nhận không thu tiền qua Zalo và tin nhắn SMS, đồng thời cảnh báo người dân không thanh toán tiền điện qua các kênh này.
Ứng dụng giả mạo app của EVN để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng điện. Ảnh: NCSC
Để có thể phòng tránh được những chiêu trò lừa đảo không mới nhưng ngày càng tinh vi kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính; không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, Zalo, hoặc SMS.
Khi nhận được yêu cầu thanh toán tiền điện, người dùng cần kiểm tra lại thông tin qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website, tổng đài hỗ trợ khách hàng.
Trường hợp nhận được tin nhắn hoặc email có chứa đường dẫn yêu cầu thanh toán, người dân cũng cần kiểm tra tính chính thống và tránh truy cập ngay lập tức vào các đường dẫn này. Người dân cần lưu ý để không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đảm bảo thanh toán tiền sử dụng điện qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận, như qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền chính thức.
“Nếu cảm thấy nghi ngờ về một cuộc gọi hay tin nhắn, người dân hãy liên hệ ngay với công ty điện lực để xác nhận thông tin. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời”, đại diện Cục An toàn thông tin đề nghị
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/loat-chieu-tro-lua-dao-chiem-doat-tai-san-nham-vao-nguoi-su-dung-dien-a448011.html