Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực khoa học công nghệ

Ngày 19/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025, với trọng tâm là xây dựng Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tập trung vào hai dự án luật quan trọng do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng các Luật kể trên là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp…

luat khcn

 

 

Trong đó, với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Chính phủ tập trung thảo luận các chính sách về thúc đẩy phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn, an ninh bức xạ, hạt nhân và phân cấp quản lý nhà nước; hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, luật hóa các cơ chế, chính sách đặc biệt tại Nghị quyết 189/2025 của Quốc hội về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần tham khảo, kế thừa các thành tựu của nhân loại và Việt Nam hóa các quy định quốc tế phù hợp với điều kiện trong nước.

Góp ý xây dựng Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định phải có đột phá, tác động tích cực, hiệu lực, hiệu quả tới hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; thúc đẩy thị trường khoa học, công nghệ; thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong đời sống xã hội, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đặc biệt thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, luật hóa các nội dung của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, các chính sách tại Nghị quyết 193/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và các nghị quyết khác liên quan.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo không có giới hạn, do đó cần mở ra không gian sáng tạo, khuyến khích đổi mới, chấp nhận rủi ro và độ trễ. Cần áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong cả khu vực công và tư, chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các viện, trường và các chủ thể nghiên cứu.

Hương Mi

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/day-nhanh-tien-do-hoan-thien-khung-phap-ly-cho-linh-vuc-khoa-hoc-cong-nghe-a448245.html