Hà Nội thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Hội thảo “Ứng dụng công nghệ sinh học trong cây trồng tại các huyện, thành phố Hà Nội, thực trạng và giải pháp” được tổ chức với mục tiêu nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng công nghệ sinh học trong toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Làm vườn thành phố Hà Nội tổ chức. Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nhấn mạnh rằng Hà Nội, dù là một đô thị lớn, vẫn dành sự quan tâm lớn đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Theo ông Rao, công nghệ sinh học không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng mà còn là chìa khóa để ngành nông nghiệp Thủ đô đạt được mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn.

Thực tế triển khai công nghệ sinh học trong trồng trọt tại Hà Nội thời gian qua đã có những bước tiến, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Việc áp dụng công nghệ còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính đồng bộ. Mối liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu và người sản xuất còn lỏng lẻo, dẫn đến hiệu quả ứng dụng chưa cao. Một số khâu quan trọng như phục tráng giống bản địa, chọn tạo giống cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, chế biến và bảo quản sau thu hoạch… vẫn chưa được triển khai hiệu quả trên diện rộng.

ung dung cong nghe sinh hoc

 

 

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt là yếu tố quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với tiềm năng và lợi thế của mình, Hà Nội cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển công nghệ sinh học phù hợp trên cơ sở xác định đối tượng cây trồng gắn với vùng sản xuất để khai thác lợi thế về nông sản đặc sản của từng vùng, gắn với quy trình sản xuất sạch góp phần đưa ngành nông nghiệp Thủ đô trở thành điển hình tiên tiến trong cả nước.

Để thúc đẩy điều này, thành phố cần thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và viện nghiên cứu để học hỏi kinh nghiệm, tiếp nhận công nghệ mới và tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cung cấp chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp và hộ nông dân áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đầu tư vào nghiên cứu các giống cây trồng mới có khả năng chống chịu tốt, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Hà Nội...

Trong khi đó, TS. Lê Thị Thủy, Viện Công nghệ GFS cũng cho rằng, chế phẩm sinh học – đặc biệt là các chủng vi sinh vật có lợi – đóng vai trò rất quan trọng trong nền nông nghiệp xanh. Đây là các sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn với con người và sinh vật có ích, đồng thời có thể thay thế thuốc trừ sâu hóa học trong nhiều khâu của sản xuất trồng trọt. Đặc biệt, trong bối cảnh nông sản Việt Nam ngày càng phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường quốc tế như EU, Mỹ, Nhật Bản, việc chuyển đổi sang sản xuất sạch, an toàn bằng công nghệ sinh học là con đường tất yếu.

Để tăng cường tính hiệu quả của các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ vi sinh (hiện Việt Nam đang ở mức công nghệ trung bình) trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Hà Nội cần có những giải pháp thiết thực. Cụ thể là: Tạo ra các chính sách hỗ trợ tài chính; xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cho nông dân và các chuyên gia trong ngành nông nghiệp về lợi ích và kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học; tăng cường hợp tác với các viện/trường trên địa bàn xây dựng các mô hình ứng dụng các kết quả nghiên cứu về chế phẩm sinh học mới, đánh giá hiệu quả của chúng trong các điều kiện khí hậu, đất đai và môi trường của Hà Nội; khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất giữa các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn từ việc ứng dụng chế phẩm sinh học; đẩy mạnh các chương trình, chiến dịch truyền thông về lợi ích của việc sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông sản sạch, qua đó tăng cường nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch tại thị trường Hà Nội; phát triển các ứng dụng công nghệ số hỗ trợ nông dân trong việc theo dõi và quản lý quy trình sử dụng chế phẩm sinh học, giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của các mô hình liên kết bốn nhà: nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân. Trong đó, nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, nhà khoa học cung cấp tri thức và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, còn nông dân là người trực tiếp ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Khi bốn nhà cùng bắt tay và hành động vì mục tiêu chung, ngành trồng trọt Hà Nội chắc chắn sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn.

Minh Hà

Link nội dung: https://ictworld.com.vn/ha-noi-thuc-day-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-trong-nong-nghiep-a448350.html