Tham dự Diễn đàn có sự hiện diện của nhiều chuyên gia đầu ngành như ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số; ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số VIDTI; ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt IVM-VUSTA (Bộ Khoa học và Công nghệ). Cùng với đó là đại diện của nhiều viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ, tổ chức quốc tế và các cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới quản trị xã hội và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các chủ trương lớn về phát triển đất nước dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, được cụ thể hóa trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020). Gần đây, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định chuyển đổi số quốc gia là động lực chính cho sự phát triển đột phá, hiện đại hóa quản trị quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong khu vực công vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức: cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, dữ liệu bị phân tán, thiếu kết nối; nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng; tâm lý e dè đổi mới còn phổ biến; hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và an ninh mạng chưa hoàn chỉnh. Theo ông Hùng, chính những điểm nghẽn này cần được tháo gỡ bằng các cơ chế chính sách đột phá, đầu tư trọng điểm và cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm.
Trong tham luận tại Diễn đàn, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng chuyển đổi số không còn là một quá trình kỹ thuật đơn thuần mà là một trụ cột chiến lược trong cải cách thể chế quốc gia. Việc tích hợp chuyển đổi số vào cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, đo lường tác động đến năng suất và thị trường cần trở thành mục tiêu cốt lõi. Ông đề xuất ban hành Luật Chuyển đổi số riêng, thiết lập cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa nêu rõ rằng bên cạnh những cơ hội to lớn, chuyển đổi số trong khu vực công ở Việt Nam đang gặp khó khăn rõ rệt về hạ tầng công nghệ và năng lực nhân lực. Ông cho rằng Việt Nam cần học hỏi các mô hình thành công như Estonia, Singapore, Hàn Quốc để xây dựng mô hình chính phủ số hiện đại, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Giải pháp cần được triển khai đồng bộ, từ đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực đến bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Chính sách & Chuyển đổi tại Viện Tony Blair vì Thay đổi Toàn cầu, nhấn mạnh vai trò then chốt của hạ tầng số toàn diện và năng lực hệ sinh thái. Theo ông, Việt Nam nên xây dựng các mô hình thử nghiệm chính sách (sandbox), tích hợp trí tuệ nhân tạo và dữ liệu mở vào hành chính công, đồng thời thành lập liên minh năng lực số trong khu vực công để nâng cao năng lực thực thi.
Tại phần tọa đàm trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đồng thuận rằng chuyển đổi số chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Việc xây dựng hệ sinh thái số đồng bộ sẽ giúp hình thành nền hành chính minh bạch, hiệu quả và là bàn đạp để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững.
Là một trong những bộ ngành đi đầu trong chuyển đổi số, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa tới các lĩnh vực khác. Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN), cho biết NHNN đã đẩy mạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai các ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại quầy và qua ứng dụng di động. Tính đến tháng 7/2025, hơn 120,9 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân và 1,2 triệu hồ sơ tổ chức đã được đối chiếu sinh trắc học; hệ thống cảnh báo SIMO đã giúp ngăn chặn hơn 283 tỷ đồng trong các giao dịch nghi ngờ rủi ro.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã kết nối trực tiếp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cho phép người dân và doanh nghiệp thanh toán trực tuyến gần như toàn bộ các loại phí, lệ phí, thuế, học phí, viện phí và các chế độ trợ cấp xã hội. Hơn 88% bệnh viện, 100% trường đại học, cao đẳng tại đô thị và phần lớn trường phổ thông đã sẵn sàng cho thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội số.
Mặc dù vậy, ông Dũng cũng nhìn nhận rằng ngành Ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như rủi ro an ninh mạng gia tăng, cơ sở hạ tầng chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn thiếu chuyên sâu và văn hóa tổ chức chưa thích ứng kịp với tốc độ công nghệ. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền hành chính công hiện đại và tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội.
Diễn đàn lần này không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, mà còn mở ra hướng đi mới, cụ thể và thực chất cho chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam. Đặt con người ở trung tâm, thúc đẩy thể chế phù hợp và hành động thống nhất sẽ là chìa khóa để chuyển đổi số trở thành công cụ chiến lược, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Link nội dung: https://ictworld.com.vn/chuyen-doi-so-khu-vuc-cong-tru-cot-chien-luoc-cho-cai-cach-the-che-va-tang-truong-ben-vung-a448428.html