Tầm quan trọng của Đổi mới sáng tạo trong khu vực công

Admin
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của khu vực công sẽ có tác động dẫn dắt, lan toả và thúc đẩy khu vực tư phát triển, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một bộ chỉ số đo lường ĐMST

Tại Hội thảo tham vấn khung Chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC- Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, các chuyên gia thống nhất rằng đổi mới sáng tạo trong khu vực công là chìa khóa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, đổi mới sáng tạo về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình… để mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế - xã hội.

Đối với khu vực công, đổi mới sáng tạo hướng đến kết quả công tốt hơn thông qua hiệu quả, hiệu suất và sự thoả mãn của người sử dụng.

Nghiên cứu cho thấy, đổi mới sáng tạo mang đến những tác động tích cực, như đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; 91% đối với nền kinh tế xanh; 88% trong các công việc mới; 86% đối với quan hệ hợp tác; 87% với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội. Động lực của đổi mới sáng tạo mang lại đó là, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân; 65% trường học và viện nghiên cứu sẽ tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo; 62% bằng độc quyền sáng chế sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

“Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo trong khu vực công lại có sự khác biệt. Các động lực chính của đổi mới sáng tạo trong khu vực công là sự lan toả phi lợi nhận của đổi mới, cộng tác, ra quyết định chính trị, sáng kiến của nhân viên và nhu cầu của người dân. Trong khi đó, đối với khu vực doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh và tạo lợi nhuận, nên tuân theo logic thị trường", ông Võ Xuân Hoài cho biết.

dmst

 

 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đổi mới sáng tạo là cần thiết ở cả khu vực tư và khu vực công; trong đó, với đối khu vực công, đổi mới sáng tạo sẽ tạo cơ hội để khu vực công dẫn dắt, định hướng khu vực tư phát triển và gia tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thu Trang - thành viên nhóm nghiên cứu của NIC cho hay, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đều có khung đo lường ĐMST cho khu vực công. Theo bà Trang, ĐMTS trong khu vực này xoay quanh chủ yếu việc đổi mới quy trình, đổi mới chính sách và đổi mới truyền thông...

Trên cơ sở đó, NIC phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đề xuất xây dựng bộ chỉ số đo lường ĐMST trong khu vực công (PSII) tại Việt Nam với 4 mục tiêu chính.

Đó là, cung cấp cái nhìn tổng quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường ĐMST trong khu vực công; đo lường năng lực ĐMST tổ chức công lập trong khu vực công; giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các mức độ đổi mới và động lực khác nhau trong các bộ phận khác nhau của cơ quan, tổ chức trong khu vực công; làm căn cứ giúp cơ quan, tổ chức có giải pháp thúc đẩy ĐMST trong khu vực công.

PSII của Việt Nam sẽ gồm 4 trọng số chính (đầu vào ĐMST; năng lực ĐMST; hoạt động/quy trình ĐMST; đầu ra ĐMST), trong đó có nhiều chỉ số thành phần. Theo lộ trình xây dựng, dự kiến PSII của Việt Nam sẽ được công bố vào tháng 12 năm nay.

Theo ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn, đồng thời là chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ về hệ sinh thái, ĐMST trong khu vực công có vai trò quan trọng, tạo ra sự đột phá thúc đẩy khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện còn nhiều địa phương chưa thúc đẩy ĐMST, nên để xây dựng bộ chỉ số khả thi và phát huy hiệu quả thì cần có sự phát triển đồng đều giữa các địa phương, các ngành, có như vậy bộ chỉ số mới phát huy được hết giá trị trong quá trình thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho ĐMST của Việt Nam hiện vẫn được đánh giá hạn chế, vì vậy vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST cũng cần được quan tâm thông qua thúc đẩy gắn kết với các trường đại học, chuyên gia.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Ngọc, Chuyên gia kinh tế về ĐMT và công nghệ, giảng viên Trường Quản trị kinh doanh và công nghệ FSB, Đại học FPT và Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đánh giá cao việc xây dựng bộ chỉ số đo lường ĐMST. Ông cho biết việc đưa ra bộ chỉ số này là rất tốt vì đã tổng hợp được kinh nghiệm của các nước để xây dựng cho Việt Nam. Tuy chuyên gia này tỏ ra nghi ngờ: “Chính phủ đang có những cam kết rất mạnh mẽ để chi ngân sách cho ĐMST, nhưng trên thực tế con số này rất thấp. Tại các địa phương thì khả năng đưa ra con số thống kê có chính xác hay không? Tôi rất sợ vấn đề về việc phóng đại chỉ số, câu trả lời có lợi cho cơ quan…”- ông Ngọc băn khoăn.

Minh Vân

Theo SHTT