2 hình thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến trong tuần đầu năm mới 2025

Bùi Huyền
Mạo danh công chức thuế lừa chiếm đoạt tài sản và giả danh nhân viên điện lực gọi điện lừa đảo là 2 hình thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến trong tuần đầu tiên của năm mới 2025, theo ghi nhận của VNCERT/CC.

Các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong 3 tuần từ ngày 9/12/2024 đến ngày 29/12/2024, đã tiếp nhận 19.482 phản ánh các trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi về. Trong đó, hơn 96% là trường hợp phản ánh cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo thông qua tổng đài 156/5656.

Trong tuần đầu tiên của năm mới 2025, qua hệ thống tổng đài 5656/156 do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vận hành, nhiều người dùng cho biết họ vẫn nhận được những cuộc gọi, tin nhắn từ các số điện thoại lạ.

Dưới đây là 2 hình thức lừa đảo qua điện thoại được VNCERT/CC nhận định là phổ biến tại Việt Nam trong tuần 1 của năm nay:

Mạo danh công chức thuế lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh cá nhân đã nhận được những cuộc gọi đáng ngờ thông báo về việc đổi mới giấy phép kinh doanh.

Không những yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số căn cước công dân…, kẻ lừa đảo mạo danh công chức thuế còn yêu cầu chủ cơ sở gửi giấy phép kinh doanh cũ qua Zalo với lý do đưa ra là để thuận tiện trong công tác đổi mới giấy phép.

canh bao lua dao 2 1.jpg Phản ánh tới tổng đài 5656/156 do VNCERT/CC vận hành, nhiều người dân cho biết thời gian gần đây họ vẫn nhận được những cuộc gọi, tin nhắn từ các số điện thoại lạ. Ảnh minh họa: Cục An toàn thông tin

Nhận định đây là hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản của người dùng, VNCERT/CC phân tích: Khi cung cấp thông tin theo yêu cầu, chủ cơ sở kinh doanh có thể bị kẻ xấu sử dụng những thông tin này vào mục đích xấu.

Vì thế, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ người lạ, người dân cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung được hướng dẫn.

VNCERT/CC cũng lưu ý, để xác minh danh tính, thông tin của đối tượng gọi đến có phải là công chức thuế hay không, người dân có thể gọi vào số điện thoại được công khai trên các cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế.

Giả danh nhân viên công ty điện lực để gọi điện lừa đảo

Với hình thức lừa đảo không mới kể trên, các đối tượng thực hiện cuộc gọi mạo danh nhân viên công ty điện lực để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và nộp tiền, nếu không sẽ bị cắt điện hoặc cắt hợp đồng điện trong vòng 2 giờ từ thời điểm nhận được cuộc gọi. Một số người dùng còn bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu tải ứng dụng hoặc website giả mạo.

Sau khi người dân làm theo yêu cầu, đối tượng lừa đảo sẽ chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết. Đây là một dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến thời gian gần đây.

Lộ lọt thông tin cá nhân trong quá trình điền thông tin để truy cập ứng dụng hoặc website, bị chiếm đoạt tài sản là những rủi ro mà người dân có thể gặp khi thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng mạo danh nhân viên công ty điện lực để lừa đảo.

lua dao qua dien thoai tuan 1 02.jpg  Một số người dùng còn bị đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên công ty điện lực để yêu cầu tải ứng dụng hoặc website giả mạo. Ảnh minh họa: VNCERT/CC

Để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo sử dụng chiêu trò trên, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo: Khi nhận được các cuộc gọi từ số lạ, không hiển thị số điện thoại… kèm yêu cầu nộp tiền điện, các khoản phí liên quan đến dịch vụ điện, hoặc thông tin bị cắt điện không rõ nguyên nhân, người dân cần liên hệ ngay đến Tổng đài chăm sóc khách hàng của tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN và các đơn vị thành viên của tập đoàn để được hỗ trợ.

Người dân có thể tra cứu thông tin và sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến, thanh toán trực tuyến của ngành điện lực bằng cách truy cập vào website, ứng dụng chăm sóc khách hàng của công ty điện lực.

Trước thực trạng các tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo diễn ra, VNCERT/CC cũng đề nghị người dân lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi; phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý.

Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để hỗ trợ, xử lý kịp thời.