C asean Vietnam tổ chức hội thảo về an ninh mạng hướng tới phát triển bền vững

Bùi Huyền
Hà Nội – C asean Vietnam vừa tổ chức thành công sự kiện “C asean Vietnam 2025: An ninh mạng tại Việt Nam”, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, đại diện các công ty công nghệ đa quốc gia, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật.

Sự kiện là một trong những hoạt động nổi bật trong chuỗi chương trình kết nối cộng đồng ASEAN do C asean Vietnam khởi xướng, hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường hợp tác khu vực Đông Nam Á.

Tại hội thảo, các diễn giả đã cùng nhau phân tích những thách thức nổi bật cũng như xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực an ninh mạng – một chủ đề đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Đặc biệt, sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái an ninh mạng toàn diện và bền vững, phù hợp với đặc thù hoạt động của từng doanh nghiệp trong khu vực.

null
Các chuyên gia hàng đầu từ nhiều lĩnh vực liên quan đến an ninh mạng trong sự kiện C asean Vietnam 2025: An ninh mạng tại Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Minh Quân – Trưởng phòng Cấp cao, Dịch vụ An ninh mạng và Bảo vệ tính riêng tư của PwC Việt Nam – khẳng định rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò của an ninh mạng trong chiến lược phát triển dài hạn. Theo ông, hai thách thức chính hiện nay là sự thiếu hụt nhân sự có trình độ chuyên môn, đặc biệt là trong bối cảnh Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã bắt đầu có hiệu lực; và sự thiếu vắng các cơ chế quản trị phù hợp với thực tiễn công nghệ và quy mô doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh rằng đầu tư vào đào tạo, cập nhật hệ thống giám sát và tăng cường khả năng ứng phó với sự cố là những yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp chủ động hơn trước các rủi ro tiềm ẩn.

Từ góc nhìn của tổ chức tài chính, ông Lê Trần Hải Minh – Phó trưởng phòng Chính sách An ninh thông tin, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – chia sẻ rằng ngân hàng này đang tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế trong bảo mật thông tin, đồng thời tổ chức huấn luyện định kỳ cho nhân viên. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng các chi nhánh ngân hàng tại khu vực ASEAN vẫn còn là mắt xích yếu do hạn chế về công nghệ và nhân lực. Trong bối cảnh các hình thức tấn công mạng ngày càng tinh vi như ransomware hay phishing, ông nhấn mạnh vai trò then chốt của con người trong hệ thống phòng thủ, kể cả với những bộ phận không trực tiếp phụ trách công nghệ thông tin.

Ở khía cạnh doanh nghiệp công nghệ, ông Trần Trung Hiếu – Chuyên gia Bảo mật Điện toán Đám mây của FPT Software – nhận định rằng khi xảy ra sự cố an ninh, yếu tố quyết định không nằm ở kỹ thuật đơn thuần, mà phụ thuộc nhiều vào sự tham gia và quyết đoán của lãnh đạo cấp cao. Theo ông, Việt Nam hiện đang thiếu các sân chơi chuyên biệt để kết nối và phát triển nhân tài trong lĩnh vực an ninh mạng. FPT Software đã triển khai nhiều sáng kiến như tổ chức các cuộc thi Hackathon, cập nhật công nghệ bảo mật mới nhất trên nền tảng đám mây nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực phòng vệ trước các mối đe dọa số.

Đáng chú ý, ông Bùi Huy Anh – Trưởng phòng Giải pháp chống mã độc của CMC Cyber Security – đã giới thiệu loạt sản phẩm bảo mật do chính đội ngũ trong nước phát triển. Với lợi thế am hiểu hệ thống doanh nghiệp nội địa và khả năng hỗ trợ linh hoạt, các giải pháp nội địa đang được xem là “vũ khí chiến lược” trong bảo vệ chủ quyền số. CMC Cyber Security hiện đang mở rộng ra thị trường ASEAN, hướng tới hợp tác cùng các đối tác tại Singapore, Malaysia và Lào. Theo ông Huy Anh, việc phân loại dữ liệu và xác định rõ mức độ quan trọng của từng nhóm thông tin là bước đi không thể thiếu trước khi triển khai giải pháp bảo mật, giúp tối ưu chi phí và hiệu quả đầu tư.

Không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức chuyên sâu, sự kiện còn mở ra cơ hội hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, nhằm xây dựng một môi trường mạng an toàn, bền vững và phù hợp với kỷ nguyên số. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, an ninh mạng không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là yếu tố chiến lược quyết định năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển dài hạn của mỗi quốc gia.

C asean Vietnam, đơn vị tổ chức sự kiện, là chi nhánh chính thức của C asean – tổ chức được thành lập từ tháng 6/2022 với sứ mệnh tăng cường sự kết nối giữa các cộng đồng ASEAN. Tổ chức hoạt động dựa trên ba trụ cột chính: kinh doanh bền vững, phát triển lãnh đạo – tài năng, và nghệ thuật – văn hóa, dưới sự bảo trợ của Tập đoàn ThaiBev. Trong thời gian qua, C asean đã triển khai nhiều chương trình hợp tác giữa các đối tác công – tư trong khu vực, tổ chức các khóa đào tạo lãnh đạo trẻ, các buổi đối thoại văn hóa và nhiều hội thảo chuyên đề về phát triển bền vững. Một điểm nhấn đáng chú ý là dàn nhạc truyền thống C asean Consonant – gồm 10 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia ASEAN – đã góp phần lan tỏa thông điệp về một Đông Nam Á gắn kết, hiểu biết và hòa hợp qua ngôn ngữ âm nhạc.