Trong lá thư tập thể được ký bởi những người làm việc trong ngành giải trí, bao gồm các nhà văn, diễn viên, nhạc sĩ và nhà thiết kế trang phục, trong đó có các tên tuổi nổi bật bao gồm: Marisa Tomei, Carrie Coon, Ben Stiller, Natasha Lyonne, Mark Ruffalo, Ava DuVernay và Ron Howard, gửi tới Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng, các nhà sáng tạo Hollywood viết: "Chúng tôi tin chắc rằng vị thế lãnh đạo AI toàn cầu của Hoa Kỳ không nên gây tổn hại đến các ngành công nghiệp sáng tạo thiết yếu của chúng ta".
"Không có lý do gì để làm suy yếu hoặc xóa bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền đã giúp nước Mỹ phát triển", lá thư cho biết.
Các nhà sáng tạo cho rằng sẽ không hợp lý khi các công ty AI có thể dễ dàng sử dụng các nội dung bản quyền chỉ bằng cách thực hiện những gì luật pháp yêu cầu: Đàm phán các giấy phép phù hợp với chủ sở hữu bản quyền - giống như mọi ngành công nghiệp khác vẫn làm.

Được biết, lá thư được gửi đi để đáp lại việc chính quyền Hoa Kỳ trưng cầu ý kiến về Kế hoạch hành động AI (AI Action Plan) của Nhà Trắng nhằm mục đích bảo đảm và thúc đẩy vị thế của quốc gia này trong lĩnh vực AI. Các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon là Google và OpenAI cũng đã gửi lên các nội dung góp ý tới chính quyền.
Trên thực tế, ngay khi Kế hoạch hành động AI được tiết lộ, sự căng thẳng giữa các công ty AI và các nhà sáng tạo đã leo thang nhanh chóng. Được biết, Hiệp hội biên kịch Hoa Kỳ đã thúc đẩy các hãng phim kiện các công ty AI đang tham gia vào hoạt động này. Các tổ chức khác, bao gồm tờ New York Times, cũng đã kiện OpenAI vi phạm bản quyền.
Ở bên kia 'chiến tuyến', các giám đốc điều hành trong ngành công nghệ cho biết họ nên được cho phép đào tạo các mô hình AI bằng nội dung có sẵn trực tuyến theo học thuyết "sử dụng hợp lý", cho phép sao chép hạn chế tài liệu mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền.
Trong bức thư gửi Nhà Trắng, giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu của OpenAI, Chris Lehane, cho biết: "Việc áp dụng học thuyết sử dụng hợp lý vào AI không chỉ là vấn đề về khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ mà còn là vấn đề an ninh quốc gia".
OpenAI cũng lập luận rằng những tiến bộ nhanh chóng của công ty khởi nghiệp Trung Quốc DeepSeek cho thấy "vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ về AI tiên tiến sẽ khó được đảm bảo". DeepSeek tuyên bố có thể cạnh tranh với OpenAI với chi phí thấp hơn.
Trong bức thư của Google, công ty này đã kêu gọi tạo nên “các quy tắc bản quyền cân bằng”, lập luận rằng việc sử dụng hợp lý và các ngoại lệ khác đối với biện pháp bảo vệ bản quyền “có vai trò quan trọng trong việc cho phép các hệ thống AI học hỏi từ kiến thức trước đó và dữ liệu công khai, mở ra những tiến bộ khoa học và xã hội”.
Tuy nhiên, các nhà sáng tạo nội dung tại Hollywood hoàn toàn không đồng ý với những đề xuất của các công ty công nghệ. Các chủ sở hữu bản quyền cho biết, ngành công nghiệp nghệ thuật và giải trí Hoa Kỳ hỗ trợ hơn 2,3 triệu việc làm tại Hoa Kỳ với hơn 229 tỷ đô la tiền lương hàng năm. Do đó, việc làm suy yếu các biện pháp bảo vệ bản quyền có thể làm suy yếu sức mạnh kinh tế và văn hóa của ngành, những người sáng tạo đã viết trong thư của họ.
Google và OpenAI "đang nỗ lực để đạt được một miễn trừ đặc biệt của chính phủ để có thể tự do khai thác các ngành công nghiệp sáng tạo và tri thức của Hoa Kỳ, bất chấp doanh thu và nguồn quỹ sẵn có dồi dào của họ", bức thư của các nhà sáng tạo cho biết.
Hiện, các nhà sáng tạo ở Hollywood đang thúc đẩy nhiều biện pháp bảo vệ nhằm chống lại AI khi các diễn viên và nhà văn đình công vào năm 2023. Các nghiệp đoàn đã lên tiếng ủng hộ luật mới quản lý AI. Vào tháng 9, Thống đốc Gavin Newsom đã ký các dự luật sẽ cung cấp nhiều biện pháp bảo vệ hơn cho các tài sản kỹ thuật số.
Trong khi đó, một số nhà sáng tạo đã chấp nhận hợp tác cùng các ông lớn công nghệ và cho phép họ thử nghiệm những ý tưởng táo bạo mà không gặp nhiều hạn chế về tài chính.
Khánh An