Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin thẻ tín dụng
Lừa đảo đánh cắp thông tin thẻ tín dụng là thủ đoạn lừa đảo mới vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo tới người dùng Internet tại Việt Nam.
Cảnh báo của Cục An toàn thông tin cho hay, thời gian gần đây, nhiều người dân tại Mỹ đã trình báo họ bị kẻ gian đánh cắp thông tin thẻ tín dụng sau khi mua hàng thông qua các nền tảng trực tuyến.
Để không trở thành nạn nhân bị đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, một việc người dân cần lưu ý là không mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa: NCSC.
Đây là phương thức lừa đảo chiếm đoạt thông tin vô cùng mới, nhắm tới tâm lý ham mua đồ giá rẻ của nhiều người.
Thủ đoạn được nhiều đối tượng sử dụng là tiếp cận nạn nhân qua những bài đăng quảng cáo bán sản phẩm, hàng hóa có mức giá ưu đãi lớn, kèm nhiều khuyến mãi và quà tặng.
Tiếp đó, đối tượng yêu cầu những người muốn mua sản phẩm, hàng hóa với giá ưu đãi phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để hoàn tất thủ tục thanh toán.
Các đối tượng lừa đảo còn tạo lập những website giả mạo sàn thương mại điện tử, đính kèm đường dẫn trong các bài đăng quảng bá sản phẩm.
Điều đáng chú ý là trang web không nhận bất cứ phương pháp thanh toán nào khác ngoài thẻ ngân hàng, do đó nạn nhân bắt buộc phải cung cấp thông tin thẻ để mua sắm.
Sau đó, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn cho nạn nhân, nói rằng phương thức thanh toán không thành công do thẻ bị từ chối, khuyến cáo nạn nhân thử lại bằng cách sử dụng thẻ khác.
Sau khi nhận được tin nhắn, nhiều nạn nhân sẽ có xu hướng sử dụng thẻ thuộc ngân hàng khác hoặc mượn của bạn bè, người thân.
Hậu quả là những đối tượng xấu sẽ chiếm đoạt tối đa thông tin tài chính của nạn nhân, nhanh chóng thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp trước khi bị phát hiện.
Việt Nam sẽ đi đầu về triển khai Meta AI
Sáng 1/10, bên lề Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại toàn cầu Meta đã chia sẻ với báo chí về một số cam kết và kế hoạch của Meta đối với thị trường Việt Nam.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Nick Clegg trên cương vị Chủ tịch Meta. Trước khi đóng vai trò lãnh đạo Meta, ông Nick Clegg từng có 20 năm làm việc tại chính châu Âu và Vương quốc Anh.
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch Meta cho biết, từ nay đến cuối năm, Meta sẽ triển khai trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trợ lý AI sẽ được tích hợp trên ứng dụng Messenger, các doanh nghiệp có thể sử dụng để tương tác với khách hàng, từ đó nâng cao năng suất.
Ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách Đối ngoại toàn cầu Meta đến Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt
Ông Nick Clegg cũng xác nhận việc thiết bị đeo Quest 3S (kính thực tế ảo VR) của Meta sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác trong nước để sản xuất Quest 3S tại Việt Nam. Hoạt động này sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm mới, giúp Việt Nam ở vị trí trung tâm của bản đồ thế giới về các sản phẩm và công nghệ metaverse (vũ trụ ảo)”, ông Nick Clegg nói.
Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tiên phong về việc triển khai Meta AI, sớm hơn hẳn so với một số nước châu Âu.
Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sắp khôi phục hoàn toàn
Trong năm nay, lần lượt vào các ngày 15/3, 23/5 và 13/6, 3 trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế các nhà mạng Việt Nam đang khai thác, đã gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.
Cụ thể, tuyến cáp APG gặp sự cố trên 4 nhánh S1.9, S3, S8 và S9; tuyến cáp AAE-1 bị lỗi trên 2 nhánh S1H3 và S1H5; S1 và S5 là 2 nhánh của tuyến cáp biển IA gặp sự cố.
Thời gian qua, trong bối cảnh 3/5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố, các nhà mạng đều đã có phương án điều chuyển dung lượng sang các hướng cáp khác để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng. Tuy vậy, một số người dùng dịch vụ Internet cáp quang FTTH có tình trạng truy cập chậm hướng quốc tế trong giờ cao điểm.
Theo chiến lược được Bộ TT&TT ban hành tháng 6/2024, các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiên phong triển khai cáp quang quốc tế. Ảnh minh họa: M.H
Thông tin cập nhật về tình hình sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra với 3 tuyến cáp quang biển quốc tế kể trên vừa được đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet – ISP tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên VietNamNet ngày 2/10.
Theo vị đại diện ISP, tuyến cáp quang biển IA hiện tại đã khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối trên tuyến. Thời gian sự cố trên 2 nhánh S1 và S5 của tuyến cáp biển này được khắc phục lần lượt vào trung tuần tháng 7 và cuối tháng 9 vừa qua.
Với hướng kết nối qua tuyến cáp quang biển APG, trong thời gian từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8, sự cố trên các nhánh cáp S3, S8 và S9 đã được khắc phục; hiện chỉ còn nhánh cáp S1.9 gần trạm cập bờ tại Malaysia đang được sửa chữa và dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần đầu tháng 10.
Tương tự như APG, một phần dung lượng kết nối Internet đi quốc tế trên tuyến cáp quang biển AAE-1 đã được khôi phục, do khắc phục xong sự cố trên nhánh S1H3 hướng HongKong (Trung Quốc) vào ngày 23/9. Tuy nhiên, theo kế hoạch, phải đến ngày 26/10, lỗi rò nguồn xảy ra trên nhánh S1H5 của tuyến cáp mới được sửa xong.
Như vậy, theo tiến độ khắc phục sự cố trên những tuyến cáp quang biển mới cập nhật, dự kiến toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ được khôi phục hoàn toàn ngay trong tháng 10/2024.