Cảnh báo thủ đoạn tuyển sinh du học để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Thái An
Công an thành phố Hà Nội cho biết, lợi dụng tâm lý mong muốn đi du học của phụ huynh và học sinh, sinh viên, nhiều đối tượng đã giả mạo các trường đại học, trung tâm tư vấn nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhiều trường hợp “sập bẫy” bị lừa lên đến hàng trăm triệu đồng.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Thủ đoạn của các đối tượng là lập các trang facebook giả mạo với tên gọi, logo, hình ảnh gần giống hoặc sao chép hoàn toàn từ các trường Đại học uy tín trong và ngoài nước. Sau đó, các đối tượng chạy quảng cáo trên mạng xã hội, đăng tải các thông tin tuyển sinh du học hấp dẫn như: mức học phí ưu đãi bất ngờ, giảm học phí sâu thậm chí miễn phí cho các trường hợp đặc biệt, học bổng trị giá cao, toàn phần hoặc bán phần với điều kiện xét tuyển đơn giản, quy trình xét tuyển nhanh chóng, dễ dàng, không cần thi tuyển, chỉ cần xét học bạ hoặc phỏng vấn online qua mạng, qua điện thoại; chương trình đào tạo đặc biệt: các ngành “hot”, cơ hội làm việc rộng mở sau khi tốt nghiệp.

Điểm chung của những thông tin này là tạo cảm giác “dễ dàng có được cơ hội tốt”, đánh vào tâm lý muốn “đi tắt đón đầu” của nhiều phụ huynh cũng như các em học sinh sinh viên. Khi thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân chi tiết (học bạ, địa chỉ, mã số học sinh, sinh viên, email,…).

Sau đó các đối tượng này tiếp tục làm giả các website, email giống trường đại học thật gửi email cho phụ huynh và học sinh, sinh viên thông báo ứng viên đã đủ điều kiện tham gia chương trình du học và được nhận mức học bổng hấp dẫn, yêu cầu chuyển một khoản tiền nhất định với lý do là “phí hồ sơ”, “học phí tạm ứng”, “phí giữ chỗ”… các đối tượng thường tạo áp lực về thời gian, hứa hẹn ưu đãi nếu chuyển tiền nhanh chóng rồi chiếm đoạt số tiền trên.

ld

Để tránh trở thành nạn nhân, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân phải kiểm tra kỹ thông tin trường Đại học, trung tâm tuyển sinh hoặc các trung tâm tư vấn du học. Tra cứu trường trên website chính thức của Bộ giáo dục Việt Nam và các nước sở tại (ví dụ: ở Việt Nam dùng website chính thức là “www.moet.gov.vn”, ở Mỹ dùng website “nces.ed.gov”, ở Úc dùng website “teqsa.gov.au”,..), xác minh qua Lãnh sự quán, Đại sứ quán nước đó tại Việt Nam. Nếu là công ty tư vấn du học, các trung tâm tuyển sinh phụ huynh và học sinh nên yêu cầu xuất trình giấy phép hoạt động của các tổ chức đó. Trường hợp bên tuyển sinh là các trường Đại học trong nước, phải kiểm tra kỹ tính chính thống của thông báo tuyển sinh, trường hợp cần thiết có thể gọi điện đến phòng, ban có chức năng tuyển sinh du học để kiểm chứng thông tin.

Không tin tưởng mù quáng vào quảng cáo: Bên tuyển sinh thật sẽ không cam kết “đỗ 100%”, không yêu cầu nộp tiền trước khi có thư mời nhập học chính thức hay không đòi phí “xử lý hồ sơ” khi được học bổng,…

Người dân cũng phải nâng cao cảnh giác khi giao dịch khi thực hiện thủ tục du học, chỉ thanh toán qua tài khoản công ty đăng ký rõ ràng, hóa đơn hợp lệ, đọc kỹ điều khoản hợp đồng, nếu được hãy làm việc trực tiếp, tránh giao dịch online với những tư vấn viên ảo, tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân cũng như các tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc.

Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ, các liên kết hoặc các tập đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội,…

Người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về các phương thức lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người thân và gia đình về các phương thức lừa đảo và các biện pháp phòng chống.

Khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo thì ngay lập tức dừng mọi giao dịch, trình báo với cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý, khóa tài khoản và thay đổi mật khẩu để tránh việc bị lừa đảo.

Quỳnh Trang