Vừa qua, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Viện IBST) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Mô hình nhà ở xã hội xanh – Thách thức và Cơ hội”. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng mô hình nhà ở xã hội xanh đưa các thảo luận, trao đổi kỳ vọng sẽ mang đến những giải pháp đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nhà ở xã hội xanh tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc nghiên cứu và đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để tạo nguồn lực bền vững, hỗ trợ tài chính cho các dự án nhà ở giá rẻ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã từng bước đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch kinh tế - xã hội của mình, góp phần tăng tốc độ triển khai các dự án trên cả nước, nhằm thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Theo ông Vương Duy Dũng,Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: để thúc đẩy nhà ở xã hội, có 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau: “Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Lập kế hoạch triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, yêu cầu địa phương cam kết thực hiện; Bố trí quỹ đất và quy hoạch nhà ở xã hội hợp lý, với hơn 9.737 ha đất đã được quy hoạch trên cả nước; Thúc đẩy triển khai dự án nhà ở xã hội, với hơn 655 dự án đã và đang được triển khai từ năm 2021 đến nay; Huy động nguồn vốn và cơ chế tài chính, bao gồm chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và nghiên cứu các giải pháp bổ sung như Quỹ nhà ở quốc gia”.
Tuy nhiên, để các dự án nhà ở xã hội thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế và đảm bảo chất lượng lâu dài, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống khung kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế - thi công - nghiệm thu là cần thiết.

Viện trưởng Viện IBST Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo.
Viện trưởng Viện IBST Nguyễn Hồng Hải nhận định: Các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn không chỉ đảm bảo an toàn kết cấu mà còn định hướng cho việc áp dụng các giải pháp thiết kế tối ưu, sử dụng vật liệu phù hợp, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công. Thiếu đi một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng, đồng bộ, chúng ta sẽ khó có thể kiểm soát được chất lượng, tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo tính bền vững cho các công trình nhà ở xã hội.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhấn mạnh về các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế nhà ở phát thải các-bon thấp, các giải pháp công nghệ...
Cũng tại Hội thảo, Xi măng Fico-YTL, một trong những đơn vị tiên phong trong ngành Vật liệu xây dựng xanh, đã chia sẻ cách họ thực hành các sáng kiến giảm dấu chân các-bon, đặc biệt là dòng sản phẩm ECOCem - Xi măng phát thải các-bon thấp giúp giảm từ 30% - 70% lượng CO2 so với xi măng Portland truyền thống mà không tăng giá bán. Bên cạnh đó, Công ty cũng đưa kiến nghị về việc sớm ban hành Tiêu chuẩn Công trình Xanh quốc gia nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở xã hội.
PV