Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT chiều 8/8, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Bộ đã triển khai đợt thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao.
Hiện nay, đã có 56 Sở TT&TT gửi báo cáo hoặc kết luận thanh tra về quản lý thông tin thuê bao về Bộ. 8 đoàn thanh tra do Bộ thành lập cũng đã kết thúc thanh tra trực tiếp. Hiện, Bộ đang tổng hợp kết quả thanh tra.
Trước đó, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động quyết liệt thực hiện đúng tiến độ việc rà soát, làm rõ đối với các khách hàng sở hữu nhiều sim (trên 10 sim), với mục tiêu ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều sim, kích hoạt sẵn, bán tràn lan, thực hiện các hành vi lừa đảo, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, tính đến giữa tháng 7/2023, số liệu các doanh nghiệp cho thấy, đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với 100% các thuê bao khách hàng là tổ chức. Với thuê bao khách hàng là cá nhân đứng tên nhiều sim (trên 10 sim), các nhà mạng đã xử lý hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều sim.
"Bộ đang chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các biện pháp với mục tiêu đến 31/8 sẽ cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó", ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ TT&TT cho biết, sơ bộ kết quả thanh tra thông tin thuê bao cho thấy, vẫn còn tình trạng một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong thời gian ngắn; nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ sim thứ 4 trở lên.
Đối với vấn đề cuộc gọi rác và các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, Bộ sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý thông tin thuê bao, các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng sim rác, cuộc gọi rác và phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng tới người dân.
Bộ cũng khẳng định, đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Theo đó, chỉ riêng trong tháng 7, qua thanh tra, kiểm tra, Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm.
Đồng thời đã kiểm soát, giải quyết nhiễu cho 108 đài vô tuyến điện bị nhiễu, chủ yếu là trạm gốc di động; xử lý tổng số 49 nguồn gây nhiễu có hại, trong đó có 36 nguồn nhiễu là thiết bị trạm lặp thông tin di động, các thiết bị người dân không được tự ý lắp đặt, sử dụng.