Tiềm năng và những khó khăn trong việc tái chế rác nhựa, quản lý chất thải tại Việt Nam

Bùi Huyền
Tỷ lệ thu gom rác nhựa tại các khu đô thị lớn ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam chỉ đạt 8-25%. Mặc dù tiềm năng tái chế lớn, các quốc gia này đối mặt với thách thức lớn do chi phí thu gom và phân loại rác thải cao…

Theo báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company, việc tái chế nhựa tại Đông Nam Á đang bị hạn chế bởi chi phí thu gom và phân loại cao, có thể gấp 1,5 đến 2 lần giá trị chất thải nhựa thô. Điều này khiến các thương hiệu ngần ngại đầu tư vào tái chế.

Đặc biệt, tại các thị trường lớn như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, tỷ lệ thu gom rác nhựa để tái chế ở các khu vực đô thị mới chỉ đạt từ 8 đến 25%, cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong việc cải thiện tỷ lệ tái chế còn rất lớn nhưng chi phí cao vẫn là rào cản chính.

BA THÁCH THỨC LỚN TRONG VIỆC TÁI CHẾ NHỰA Ở ĐÔNG NAM Á

Bain & Company cũng nêu rõ ba thách thức chính trong việc thúc đẩy tái chế nhựa ở khu vực Đông Nam Á.

Thứ nhất, chuỗi giá trị tái chế nhựa vẫn còn phân mảnh, khi việc thu gom rác thải vẫn phụ thuộc vào các tác nhân không chính thức như con người, dẫn đến sự thiếu hụt trong tổ chức và phối hợp, từ đó gây hiệu quả kém và bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Thứ hai, các loại nhựa khác nhau tạo ra khó khăn trong quá trình tái chế. Cụ thể, việc tái chế các vật liệu linh hoạt như túi nhựa và màng nhựa không chỉ dễ gây ô nhiễm mà còn rất tốn kém trong xử lý, khiến việc tái chế trở nên kém hấp dẫn về mặt kinh tế nếu không có cải tiến công nghệ và quy trình đáng kể.

Thứ ba, khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với các quy định quốc tế ngày càng nghiêm ngặt về nhập khẩu rác nhựa. Trong khi nhiều quốc gia trong khu vực vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu rác để bổ sung nguyên liệu tái chế, Liên minh Châu Âu dự kiến sẽ cấm xuất khẩu rác nhựa tới các quốc gia ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào năm 2026.

Những thách thức này càng làm rõ rằng, mặc dù có tiềm năng lớn trong việc tăng tỷ lệ tái chế, nhưng để thực hiện thành công, cần có sự cải thiện mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, quy trình công nghệ và sự hợp tác giữa các bên liên quan.

BỐN THÁCH THỨC MÀ THỊ TRƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI VIỆT NAM ĐANG PHẢI ĐỐI MẶT

Đối với thị trường rác thải Việt Nam, dự báo từ Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence cho biết sẽ đạt 5,53 tỷ USD vào năm 2024 và tăng lên 8,15 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt 8,04%.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 3,9 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 10-15% được thu gom và tái chế. Đặc biệt, bao bì nhựa chiếm phần lớn trong số đó, cùng những thách thức khác gây áp lực lớn lên môi trường và hệ thống xử lý rác thải:

Thứ nhất, khoảng 85% lượng rác thải tại Việt Nam hiện nay vẫn được chôn lấp mà không qua xử lý, trong đó 80% không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thứ hai, hoạt động tái chế tại Việt Nam chủ yếu diễn ra ở quy mô nhỏ và thủ công. Mặc dù Hà Nội có tỷ lệ tái chế cao nhất với 20%, nhưng phần lớn các hoạt động tái chế lại được thực hiện ở cấp độ hộ gia đình và thông qua những người nhặt rác, thiếu sự chuyên nghiệp và quy mô.

Thứ ba, ngành tái chế rác thải nhựa vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp gia đình phi chính thức hoặc quy mô nhỏ điều hành. Các doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế trong ngành quản lý chất thải rắn, với công nghệ chủ yếu được cung cấp từ các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ trong nước vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm phần cứng, dẫn đến hiệu quả xử lý chưa cao.

Thứ tư, khung pháp lý trong ngành vẫn chưa rõ ràng, buộc doanh nghiệp phải phụ thuộc vào các phương pháp xử lý từ nước ngoài. Mặc dù chính phủ đã khuyến khích phát triển các công nghệ tái chế chất thải thành năng lượng, nhưng vẫn cần có thêm những đẩy mạnh để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tái sử dụng.

Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy các công nghệ mới trong xử lý chất thải, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu của chiến lược quản lý chất thải quốc gia là hoàn thiện công tác thu gom rác thải vào năm 2025, nhằm cải thiện tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đối với môi trường.