Tại Hội nghị “Đổi mới sáng tạo mở: Hợp tác cùng phát triển”, các diễn giả và chuyên gia thảo luận xoay quanh các nội dung chính như: Ý nghĩa và vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cũng như xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo mở; Tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở; Góc nhìn thực tế và các kiến nghị về hoạt động đổi mới sáng tạo mở hiện nay từ các doanh nghiệp Việt Nam; Chương trình thí điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở của Chính phủ cũng như tầm quan trọng của các đơn vị cung cấp dịch vụ đổi mới sáng tạo trong mô hình triển khai này.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, đại dịch COVID-19 là một áp lực cho sự đổi mới, sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Giữa đại dịch, nhu cầu cấp thiết về đổi mới sáng tạo, liên kết hợp tác và ứng dụng KHCN không chỉ là phương thức, công cụ phát triển mới mà trên hết là một cách tiếp cận mới, tư duy mới, triết lý mới cho sự phát triển.
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng nhìn một cách tổng thể, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa đạt tỉ lệ tương xứng với tiềm năng, chất lượng chưa đồng đều.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng mong muốn xây dựng và phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, trong đó mục tiêu quan trọng là thúc đẩy các đặc tính “đổi mới sáng tạo”, “mở”, “liên kết”.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức phát triển trên phạm vi toàn cầu, bao gồm những tác động của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước đại dịch COVID-19.
Do đó, cần có các giải pháp đổi mới hơn bao giờ hết và tận dụng sức mạnh của trí tuệ tập thể để giải quyết những thách thức này, đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và phục hồi, phát triển tốt hơn trong COVID-19.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) cho rằng, thế giới đang ở giai đoạn kinh tế chia sẻ, trong đó chia sẻ tri thức là một xu hướng. Tại Việt Nam, tính liên kết, hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là các hoạt động từ phía các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, một trong những trụ cột lớn của hệ sinh thái vẫn còn đang thiếu và yếu.
Do đó, cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng với những tính chất chuyên biệt như: “đổi mới sáng tạo”, đó là tạo sản phẩm, dịch vụ mới, cải tiến sản phẩm, dịch vụ đã có, cải tiến quy trình, dây chuyền sản xuất kinh doanh, cải tiến về mặt con người và hơn nữa là đổi mới về tư duy duy, mô hình kinh doanh. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Tiếp đó là “mở” trong thiết kế mô hình vận hành, sản xuất kinh doanh, “mở” trong liên kết hợp tác đồng thời “mở” trong tư duy, cách tiếp cận vấn đề. Và cuối cùng là “liên kết hợp tác”, chỉ khi liên kết với nhau, hình thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cộng hưởng cho nhau thì chúng ta mới phát triển được.
Đối với doanh nghiệp, đây không chỉ là cơ hội để họ tìm ra các giải pháp hữu dụng cho những vấn đề hiện tại mà còn là nơi để họ tìm ra khả năng hợp tác với những chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay những doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hợp tác với công ty, tập đoàn lớn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho việc gia nhập thị trường, đó là: Cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng, những buổi đào tạo đến từ các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm và trên hết là các hợp đồng và cơ hội hợp tác.
Hà Trang
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo