Giáo dục sở hữu trí tuệ cho thế hệ trẻ là nhu cầu cấp thiết

Thái An
Đó là ý kiến nhận được đông đảo sự ủng hộ tại Hội thảo 'Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục sở hữu trí tuệ dành cho học sinh phổ thông tại Việt Nam' do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức mới đây.

Ngày 25/3, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục sở hữu trí tuệ dành cho học sinh phổ thông tại Việt Nam".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long cho biết, để phát triển đồng bộ và bền vững hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, nội dung giáo dục sở hữu trí tuệ cho thế hệ trẻ, đặc biệt là từ cấp học sinh phổ thông là một trong những việc làm cần thiết được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khẳng định.

Nhiều quốc gia cũng đã triển khai hiệu quả, từng bước hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng; qua đó, góp phần tạo dựng một xã hội văn minh, tiên tiến. Tại Việt Nam, thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh phổ thông là một vấn đề mới, chưa được triển khai một cách bài bản và thường xuyên. Sáng kiến xây dựng chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh, hướng tới tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ quan trọng đã đặt ra trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.

cuc-shtt-1-64974-1742896525227654676855

Thông tin tại Hội thảo cho biết, theo nghiên cứu của chuyên gia Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), độ tuổi 12 - 20 là giai đoạn vàng cho sự sáng tạo. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục truyền thống lại thường phân chia các môn học một cách cứng nhắc, gây hạn chế khả năng liên kết và tổng hợp kiến thức. Việc giáo dục sở hữu trí tuệ sớm sẽ giúp các em nhận biết giá trị của sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và định hướng nghiên cứu trong tương lai.

Bà Tedla Altaye, Trưởng bộ phận đào tạo trực tuyến Học viện WIPO nhấn mạnh, sở hữu trí tuệ không chỉ là một quyền hay cơ chế bảo hộ, nó còn là một khía cạnh của sự sáng tạo. Nhiều ý tưởng xuất sắc gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường hoặc có nguy cơ bị mất, bị sao chép mà không xin phép… Nếu không có sự bảo hộ, hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ bị kìm hãm.

Khẳng định đổi mới sáng tạo là xương sống của sự tiến bộ, còn sở hữu trí tuệ là bạn đồng hành tốt nhất của đổi mới sáng tạo, bà Tedla Altaye cho rằng, hiểu biết về sở hữu trí tuệ không chỉ là việc bảo hộ mà còn là một chiến lược để kiếm tiền từ kiến thức, ý tưởng. Kiến thức về sở hữu trí tuệ giúp mọi người có thể kiếm sống từ sự sáng tạo trong công việc của mình.

Đó là lý do tại sao cần phải đưa nội dung đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp vào các môn học khác nhau từ ngay cấp độ học nhỏ tuổi. Bằng cách này, chúng ta trao quyền cho thế hệ các nhà đổi mới sáng tạo tương lai để dần phát triển một tư duy sáng tạo và học cách khai thác ý tưởng của họ vì những lợi ích kinh tế.

c45a6b02-099d-4cd1-b1e7-78b59bf2c4f8-54433749538765738646589

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đến từ các Bộ, ngành đã thảo luận để đề xuất một chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ có chất lượng, chuyên môn cao cho các cấp học... Các chương trình giáo dục sẽ được xây dựng để khi triển khai sẽ có tính lan tỏa, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Các chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh phổ thông sẽ thông qua các bài học sáng tạo khoa học, bài tập thiết kế sản phẩm, STEM,... được lấy cảm hứng từ sáng chế và thực tiễn với cuộc sống. Sau đó sẽ lồng ghép giáo dục sở hữu trí tuệ, giáo dục trẻ phân tích đối tượng quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm, giáo dục trẻ biết thế nào là sở hữu trí tuệ, tôn trọng sản phẩm sáng tạo... Sau đó giáo dục cho trẻ kỹ năng khởi nghiệp vào bài học từ việc đánh giá khả năng thương mại hóa của sản phẩm, phân tích thị trường...

Các chuyên gia đánh giá chương trình giáo dục sở hữu trí tuệ cho học sinh phổ thông là một nhu cầu cấp thiết, không chỉ giúp các em hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, mà còn nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong tương lai.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đánh giá rất cao về mô hình trường học thông minh, mô hình có ý nghĩa giáo dục phát triển năng lực cho học sinh. Đặc biệt là giáo dục đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và ý tưởng khởi nghiệp…

"Số lượng học sinh phổ thông rất đông đảo, đây sẽ là lực lượng phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai. Vì vậy cần đẩy mạnh sự sáng tạo của học sinh, giáo dục toàn diện để tạo nền tảng phát triển đất nước", vị này nhấn mạnh.

Kết luận tại buổi hội thảo kỳ vọng với những kinh nghiệm về giáo dục sở hữu trí tuệ đã được đưa ra thảo luận, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các chuyên gia sở hữu trí tuệ sẽ cùng chung tay xây dựng mạng lưới hợp tác nhằm thúc đẩy công tác giáo dục sở hữu trí tuệ cho thế hệ trẻ Việt Nam. Qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức sở hữu trí tuệ cho học sinh phổ thông, từ đó ươm mầm tư duy cho những nhà sáng tạo tương lai.

Thái An