Hà Nội công bố những định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn đến năm 2045

Admin
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành
CNVH01

Phó bí thư Thành ủy - Ông Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị. 

 

Sáng 16/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045". 

Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp tới trực tuyến tới 625 điểm cầu trên địa bàn Thủ đô với sự tham dự của trên 26.000 đại biểu.

Đưa nền công nghiệp văn hóa thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô

Trong nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TP. Hà Nội ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045" và Nghị quyết số 04-NQ/TU về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo".

CNVH02

 Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU được Thành ủy Hà Nội chuẩn bị, thu thập tài liệu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, khoa học với 2 hội thảo khoa học và 4 cuộc tọa đàm thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa cả trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU vào tháng 2/2022 nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

"Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới", ông Nguyễn Văn Phong cho biết.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á; phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.

Mục tiêu đến năm 2045, ngành CNVH Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế; Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới; Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

CNVh03

 

Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững như: Chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống... Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình công nghiệp văn hóa. Chú trọng cơ chế đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật.

Hà Nội cũng chú trọng phát triển thị trường công nghiệp văn hóa ở khu vực có tiềm năng, lợi thế như ở khu vực đô thị, làng nghề truyền thống, thông qua các chương trình đào tạo, hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế. Lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội với cả nước và thế giới kết hợp với du lịch, các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Để thu hút và hỗ trợ đầu tư, Thành phố đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng.

Triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch.

Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, du lịch văn hóa, ẩm thực… Phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tham luận làm rõ các mục tiêu, giải pháp. Đồng thời nêu những kiến nghị, đề xuất để thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU một cách hiệu quả, thiết thực.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã khái quát những nội dung chủ yếu của Kế hoạch số 217/KH-UBND của UBND Thành phố ban hành ngày 12/8/2022 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Kế hoạch nêu 8 nội dung trọng tâm để thực hiện. Trong đó yêu cầu tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; Triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo.

CNVN04

Cần tăng cường phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo giới thiệu các công trình văn hóa, sản phẩm làng nghề của Thành phố trên mạng Internet và các nền tảng truyền thông số. Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long được sử dụng công nghệ ánh sáng để gia tăng các giá trị về nghệ thuật.

Đặc biệt, trong các nội dung thực hiện nhằm hiện thực hóa kế hoạch Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, UBND Thành phố cũng đặc biệt chú trọng việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh việc hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch đề ra.

Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, chủ động hợp tác, tiếp thu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, khai thác, phát huy giá trị văn hóa trong các lĩnh vực: Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Quảng cáo, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Thời trang...

Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao cũng chịu trách nhiệm triển khai hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản tư liệu, tên đường phố Hà Nội, thông tin về Mạng lưới thành phố Sáng tạo Hà Nội để quản lý, kết nối, chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước. 

Phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo giới thiệu các công trình văn hóa, sản phẩm làng nghề của Thành phố trên mạng Internet và các nền tảng truyền thông số.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ các ngành CNVH.

Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và phát triển du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu, vị thế của du lịch Thủ đô.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, thiết bị tiên tiến, hiện đại để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, thiết kế mẫu mã sáng tạo, đặc trưng, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan. Khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất, sử dụng phương thức truyền thống kết hợp áp dụng cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất thủ công không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ; 

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các trung tâm xử lý rác thải, nước thải, làm sạch hệ thống thoát nước…

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực Xuất bản, Phát thanh và Truyền hình.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm góp phần nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, dịch vụ ngành CNVH có thế mạnh ở địa phương phù hợp thị trường trong nước và quốc tế. Cùng bới đó, các đơn vị này cũng có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu tại địa phương.

Các Hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNVH cần chủ động sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, các ý tưởng và thiết kế sản phẩm sáng tạo của các tổ chức, cá nhân qua các cuộc thi; ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo vào các hoạt động phát triển ngành CNVH có lợi thế, sức cạnh tranh và thị trường yêu thích.

Thái An – Phúc Huy

Theo SHTT