Hà Nội: Nâng cao ý thức doanh nghiệp về chuyển đổi số và thương mại điện tử

Bùi Huyền
Hà Nội đang đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới và nâng cao năng lực cạnh tranh...

Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 287/KH-UBND, nhằm đưa ra những hành động cụ thể triển khai Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”.

XÂY DỰNG NĂNG LỰC THAM GIA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI

Một trong những mục tiêu của Thành phố là phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, các doanh nghiệp Hà Nội được khuyến khích tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Hà Nội.

Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về thông tin thị trường, đào tạo, tư vấn nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong số các mục tiêu nhằm thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia mạng lưới phân phối nước ngoài, sẽ có trên 100 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ để xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, Thành phố cũng tổ chức các hoạt động kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ trên 80 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, Hà Nội đạt mục tiêu đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử. Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm và đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, cách khá xa so với vị trí thứ thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm. Trong nhiều năm liền, Hà Nội là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển thương mại điện tử.

Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố. 53% người dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, 49% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.

NÂNG CAO Ý THỨC DOANH NGHIỆP VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo Kế hoạch số 287/KH-UBND, Thành phố cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới, cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao ý thức của các doanh nghiệp tại Hà Nội về chuyển đổi số và thương mại điện tử, đặc biệt là đối với các ngành hàng nông sản, thực phẩm, đồ gỗ và nội thất.

Đồng thời, việc phối hợp với các tập đoàn thương mại điện tử xuyên biên giới, cả trong và ngoài nước, rất cần thiết để từng bước nâng cao khả năng chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng bán hàng trên môi trường số để giúp doanh nghiệp làm quen và thích nghi với hình thức kinh doanh này.

Bên cạnh đó, dịch vụ logistics cũng phải được thúc đẩy phát triển, phục vụ cho xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các hãng phân phối thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để triển khai các chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu các tập đoàn phân phối và chuyên gia tư vấn hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển từ thương hiệu của các nhà phân phối, phát triển lên thương hiệu chung (co-brand) và tiến tới phát triển thương hiệu riêng trong hệ thống phân phối.

Phối hợp với các mạng phân phối nước ngoài hỗ trợ phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong hệ thống phân phối trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Sở Công thương sẽ là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện Kế hoạch, xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới. Sở sẽ hỗ trợ doanh nghiệp của Hà Nội đăng ký, xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, tổ chức Hội chợ Thương hiệu Việt năm 2025.

Ngoài ra, Hà Nội cũng hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thích nghi, chuyển đổi sản xuất đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động phát triển nguồn nguyên liệu xanh, sạch để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thành phố cũng triển khai các chương trình nâng cao ý thức doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, sử dụng công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng theo hướng nâng cao nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất…

Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng trên địa bàn Thành phố sẽ tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trực thuộc tích cực hưởng
ứng tham gia các chương trình của Thành phố năm 2025 thực hiện Đề án
“Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối
nước ngoài đến năm 2030”.