Ngày 17/3/2023, Bộ KHCN đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KHCN toàn quốc năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2022, các Sở KHCN đã tham mưu cho tỉnh/thành ủy, HĐND, UBND các địa phương ban hành được 384 văn bản bao gồm các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Quyết định... quản lý, kế hoạch triển khai thực hiện, nhiều cơ chế chính sách có tính đột phá ở các lĩnh vực như: Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chính sách phát triển tài sản trí tuệ, chuyển đổi số…
Công tác đầu tư tăng cường tiềm lực cho KHCN, kiện toàn tổ chức bộ máy và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính đã được các địa phương triển khai đồng bộ. Nhiều địa phương đã chủ động tham mưu cho tỉnh bố trí ngân sách chi cho KHCN cao hơn so với Trung ương phân bổ.
Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN được bảo đảm, nhiều địa phương đã đẩy mạnh áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được quan tâm phát triển mạnh mẽ. Có 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844. Hơn 20 địa phương đã và đang kết nối các nguồn lực thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; có hơn 1.000 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 200 không gian làm việc chung. Mạng lưới nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đã có hơn 400 thành viên, kết nối hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước.
Hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN, kết nối cung cầu công nghệ, tổ chức các cuộc thi… có bước phát triển tốt. Các hoạt động này ở các đô thị lớn, trung tâm như TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ, Bến Tre… đã lan tỏa và thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia, kết nối với nhiều doanh nghiệp, đối tác nước ngoài như Hà Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, các nước EU…
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở các địa phương cũng tiếp tục được quan tâm thực hiện, nhiều kết quả ứng dụng tốt vào sản xuất như các quy trình công nghệ mới được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác phát triển nhiều nguồn gen sinh vật quý hiếm, đặc hữu, trồng và chế biến dược liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tuy vậy, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh ngành KHCN cả nước nói chung và hoạt động KHCN ở địa phương nói riêng vẫn còn nhiều việc phải làm và làm quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa để KHCN thực sự có những đóng góp trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đồng ý với nhận định của Bộ trưởng Bộ KHCN, nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng cho rằng hoạt động KHCN tại các địa phương vẫn còn trầm lắng. Việc ban hành một số văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN còn chậm, một số nội dung chưa thực sự phù hợp với thực tế ở địa phương, gây khó khăn cho công tác tổ chức triển khai hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là các đơn vị sự nghiệp KHCN, doanh nghiệp KHCN.
Hơn nữa, các địa phương chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động được nhiều hơn các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển KH&CN, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, đầu tư tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới chỉ tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính bức xúc trước mắt ở từng địa phương, vẫn còn thiếu các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, triển khai ở quy mô lớn. Nguồn nhân lực KHCN của địa phương chưa đáp ứng yêu cầu...