Ðiều kiện để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới
An toàn thông tin mạng là điều kiện tiên quyết để thực hiện quá trình chuyển đổi số quốc gia, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã xác định “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số”.
An toàn thông tin mạng là điều kiện tiên quyết để thực hiện quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 đã chỉ rõ: “Ðẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới”.
Người đứng đầu 2 ngành Công an, TT&TT cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của an toàn, an ninh mạng trong công cuộc chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Chuyển đổi số thì cần an ninh, an toàn. Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải thịnh vượng trên không gian mạng. Và phải bảo vệ được sự thịnh vượng đó trên không gian mạng”.
Trong phát biểu Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang chỉ đạo toàn lực lượng công an là “Phải làm tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn mạng, an toàn thông tin, bí mật dữ liệu số. Coi đây là một yếu tố then chốt quyết định thành công của chuyển đổi số”.
Việc “Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” được ban hành năm 2022 không những khẳng định tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số; mà còn cho thấy sự cần thiết phải hợp lực, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ TT&TT trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Thời gian qua, trong bối cảnh các mối đe dọa an toàn, an ninh mạng không ngừng gia tăng, chính nhờ huy động được sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng, trong đó giữ vai trò chủ lực là các đơn vị chuyên trách an toàn, an ninh mạng của 3 Bộ Công an, Quân đội, TT&TT, việc bảo vệ hệ thống trọng yếu và người dân, doanh nghiệp trên không gian mạng Việt Nam đã đạt kết quả tích cực.
Trong 3 năm gần đây, cơ quan chức năng đã triển khai các giải pháp kỹ thuật bảo vệ, cảnh báo cho hơn 11,32 triệu người dân trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên mạng.
Những hệ thống kỹ thuật lớn cũng đã được xây dựng, kết nối với các trình duyệt, công cụ tìm kiếm để bảo vệ hơn 78 triệu người dùng Internet Việt Nam; qua đó hỗ trợ hiệu quả việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến.
Hợp lực và tự chủ để bảo vệ an toàn không gian mạng
Những nỗ lực của Việt Nam trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, thứ hạng quốc gia về an toàn, an ninh mạng đã liên tục tăng, từ vị trí thứ 100 năm 2017 lên hạng 17 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ vào năm 2023; trong đó Việt Nam có tên trong nhóm quốc gia Bậc 1 – “kiểu mẫu”.
Các bảng xếp hạng lớn hàng năm và những cuộc thi an toàn thông tin thế giới cũng đã cho thấy Việt Nam đang có một lực lượng chuyên gia an toàn thông tin tầm cỡ quốc tế.
Ðặc biệt, Việt Nam còn là một trong số ít quốc gia trên thế giới có hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng nội địa. Nền công nghiệp an toàn thông tin được hình thành với nhiều sản phẩm “Make in Việt Nam”, trong đó một số sản phẩm an toàn thông tin mạng được sử dụng rộng rãi trong nước và bước đầu vươn ra thị trường quốc tế.
Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng những năm gần đây đạt xấp xỉ gần 5.000 tỉ đồng/năm, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm từ 27 - 30%.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, thách thức với công tác đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng Việt Nam trong chặng đường sắp tới là rất lớn. Mất an toàn thông tin mạng đã, đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn tới sự phát triển ổn định, an ninh, an toàn toàn cầu.
Theo dự báo, các cuộc tấn công mạng, vi phạm dữ liệu với quy mô lớn sẽ tiếp tục diễn ra nhằm vào các tập đoàn lớn, các hệ thống, cơ sở hạ tầng quan trọng.
Mức độ phức tạp của các mối đe dọa trên không gian mạng sẽ tiếp tục tăng lên do xu thế áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, 5G, điện toán đám mây, IoT… và từ sự hợp tác chiến thuật chặt chẽ hơn giữa các nhóm tin tặc và tổ chức chính trị.
Các chuyên gia đều thống nhất rằng huy động các nguồn lực cùng chung tay và tự chủ về công nghệ là 2 yếu tố có ý nghĩa quyết định sự thành công của Việt Nam trong bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA Ngô Tuấn Anh đề xuất, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh, an toàn thông tin, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm đưa những tiêu chuẩn về an ninh, an toàn thông tin trở thành tiêu yêu cầu bắt buộc.
Các tiêu chuẩn, yêu cầu bắt buộc không chỉ với các hệ thống hạ tầng, nền tảng số quốc gia mà cả với những dịch vụ Internet được cung cấp tới người dùng để bảo vệ đông đảo người dân trên không gian số.
“Ðặc biệt, để tự chủ trong an toàn, an ninh mạng, cần ưu tiên chọn các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam đủ năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ; tạo thị trường để các doanh nghiệp nội địa có thể môi trường phát triển và bứt phá”, ông Ngô Tuấn Anh nói.
Tính đến hết tháng 11/2024, trong tổng số hơn 8.950 hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, đã có 8.025 hệ thống được phân loại và thực hiện bảo vệ theo cấp độ, đạt tỷ lệ 89,7%. Tổng số cuộc tấn công gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay là 4.663 cuộc, giảm 59,2% so với cùng kỳ năm 2023.