Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mời xem phim online và bình chọn trả phí trên không gian mạng

Bùi Huyền
Cục An toàn thông tin cảnh báo các hình thức lừa đảo trên không gian mạng như mời xem film online rồi bình chọn có trả phí, mạo danh ca sỹ, nhận được yêu cầu khôi phục Gmail,...

Trong báo cáo điểm tin tuần về lừa đảo trực tuyến từ ngày 14 - 20/10 được Cục An toàn thông tin vừa phát đi cho biết Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua cách thức mời xem phim online và bình chọn được trả phí.

Cụ thể, đối tượng làm quen với nạn nhân trên mạng xã hội Facebook, giới thiệu tải ứng dụng mạng xã hội Telegram để tham gia xem phim online và bình chọn được trả phí. Tiếp theo, có một tài khoản mạng xã hội Telegram gửi kết bạn và nhắn tin hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ kiếm tiền; đối tượng gửi một đường link và hướng dẫn đăng nhập tài khoản và truy cập vào một trang web để xem phim và làm nhiệm vụ.

Qua hai bước bình chọn đầu tiên, các đối tượng đã trả vào tài khoản của bị hại một số tiền nhỏ khiến bị hại tin tưởng và tiếp tục tham gia nhóm, nạp tiền vào tài khoản tích lũy.

Sau khi nạp tiền và hoàn thành các yêu cầu do đối tượng đưa ra, lúc này hệ thống báo nhập sai dữ liệu và yêu cầu muốn rút tiền về thì phải nạp số tiền bù trừ dữ liệu là 36 triệu đồng.

Lợi dụng tâm lý nạn nhân, chỉ có cách nạp thêm tiền thì mới có thể lấy lại tiền, các bị hại càng lún sâu vào chiếc bẫy của những đối tượng lừa đảo.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chủ động xác minh danh tính của đối tượng trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền.

MẠO DANH CA SĨ, NGHỆ SĨ ĐỂ LỪA ĐẢO

Tình trạng nghệ sĩ nổi tiếng bị mạo danh cho những mục đích xấu trên mạng xã hội là vấn nạn thời gian qua. Mới đây, diễn viên Khôi Trần đã lên tiếng trước tình trạng bị đối tượng xấu sử dụng công nghệ AI giả mạo hình ảnh, giọng nói và gọi video call để lừa đảo mọi người.

Theo đó, nam diễn viên cho biết có đối tượng tên N.V.S đã sử dụng hình ảnh của anh và lập tài khoản Facebook giả mạo để lừa đảo. Đáng chú ý, đối tượng này sử dụng công nghệ AI giả mạo hình ảnh, giọng nói và gọi video call để tạo dựng niềm tin của các nạn nhân, sau đó lừa nạn nhân chuyển tiền.

Sau khi lấy tiền thành công, kẻ lừa đảo chặn tài khoản mạng xã hội của các nạn nhân. Một số nạn nhân tưởng rằng đó là tài khoản thực của nam diễn viên nên có những lời lẽ xúc phạm nặng nề.

Theo đó, đặc điểm chung của các trang mạo danh là thường lập lờ thêm vào chữ “offical” hoặc “FC”, hoặc dấu tích xanh giả ngay cạnh tên nghệ sĩ. Những hành vi này gây hại đến uy tín, hình ảnh nghệ sĩ một cách trực tiếp.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng trước những bài đăng hoặc những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Người dân cần thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin về nghệ sĩ.

CẢNH GIÁC KHI NHẬN ĐƯỢC YÊU CẦU KHÔI PHỤC GMAIL

Mới đây, ông Sam Mitrovic, chuyên gia tư vấn giải pháp của Microsoft, đã lên tiếng cảnh báo người dùng Gmail về thủ đoạn lừa đảo giả mạo nhân viên của Google, gửi tin nhắn và gọi điện thông báo tài khoản của nạn nhân có dấu hiệu bị xâm nhập, yêu cầu thực hiện các thao tác để khôi phục tài khoản.

Ban đầu, các đối tượng sẽ gửi tin nhắn Email cho nạn nhân, yêu cầu chấp thuận một nỗ lực khôi phục tài khoản tại một khu vực hoặc quốc gia khác. Các đối tượng sẽ hỏi nạn nhân có đang đi công tác hoặc du lịch nước ngoài hay không, sau đó thông báo rằng tài khoản Gmail của nạn nhân đang có dấu hiệu bị xâm nhập, nếu không nhanh chóng thực hiện các biện pháp bảo mật thì toàn bộ dữ liệu sẽ có nguy cơ bị đánh cắp.

Sau khi thuyết phục được nạn nhân, các đối tượng sẽ gửi một tin nhắn Email khác, thông báo rằng trường hợp của nạn nhân đang được đội ngũ nhân viên xử lý, yêu cầu truy cập vào đường dẫn được đính kèm để cung cấp các thông tin cá nhân nhằm chứng thực quyền sở hữu tài khoản.

Sau khi cung cấp các thông tin, một lần nữa tin nhắn Email yêu cầu chấp thuận nỗ lực khôi phục tài khoản lại xuất hiện, lần này tin nhắn cho biết nỗ lực đang được thực hiện tại vị trí trùng khớp với nơi mà nạn nhân đang sinh sống. Sau khi nạn nhân chấp thuận, tài khoản sẽ bị các đối tượng chiếm dụng hoàn toàn.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn với nội dung tương tự như trên. Kiểm tra kỹ đường dẫn URL, địa chỉ Email thông qua cổng thông tin chính thống. Hạn chế chia sẻ thông tin nhạy cảm, dữ liệu cá nhân trên các trang mạng xã hội…

“Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng chặn và báo cáo tin nhắn, đồng thời trình báo địa chỉ Email, số điện thoại của đối tượng lạ với lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo”, Cục An toàn thông tin cho biết them.

LỪA ĐẢO QUA TIN NHẮN NGÀY MỘT LAN RỘNG

Theo báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (Gasa), Philippines mất khoảng 8,1 tỷ USD (khoảng 204 nghìn tỷ đồng) trong 12 tháng qua. Chủ yếu là do các vụ lừa đảo thông qua tin nhắn văn bản với những lời mời chào, dụ dỗ làm việc, thông báo trúng thưởng hoặc tham gia mua bán các sản phẩm với mức giá “tốt đến mức không thể tin được”. Ước tính thiệt hại tương đương với 1,9 % tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này.

Theo nghiên cứu có tên "Tình hình lừa đảo tại Philippines năm 2024", trung bình mỗi nạn nhân người Philippines mất 275 USD (khoảng 7 triệu đồng), do những kẻ lừa đảo gây ra. Khoảng 39 % người Philippines được khảo sát đã mất tiền vào tay những kẻ lừa đảo. Chỉ có 3 % nạn nhân có thể lấy lại số tiền đã mất trong khi 78% không thành công. Nghiên cứu khảo sát trên 1 nghìn người Philippines, phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 24.

Các vụ lừa đảo qua tin nhắn văn bản thường lừa những nạn nhân không nghi ngờ nhấp vào các liên kết trang web, với các cơ hội việc làm giả mạo và giải thưởng xổ số, cùng nhiều hình thức khác. Các liên kết dẫn đến các cổng thông tin giả mạo, nơi người dùng sẽ được yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân như thông tin tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà và số điện thoại.

Ngoài ra, các đối tượng xấu có thể chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và ví điện tử để rút tiền. Các nền tảng nhắn tin thường được sử dụng bởi các đối tượng lừa đảo chủ yếu là WhatsApp và Messenger. Nguy hại hơn, có nhiều mối đe dọa sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện tội phạm mạng thông qua tin nhắn văn bản, ảnh, video và bản ghi âm giọng nói.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn lạ. Cẩn trọng trước các tin nhắn mời chảo, dụ dỗ tham gia đầu tư hoặc làm nhiệm vụ kiếm tiền, thông báo trúng thưởng hoặc rao bán các sản phẩm với mức giá rẻ khó tin…