AI giúp tăng 40% năng suất lao động trong năm 2035

Bùi Huyền
Theo Microsoft, cứ 4 người thì có 3 người đang sử dụng AI tại nơi làm việc và mức sử dụng AI tăng gần gấp đôi trong sáu tháng qua. Thực tế, các nghiên cứu toàn cầu dự báo rằng AI sẽ tăng năng suất lao động toàn cầu thêm 40% vào năm 2035, mở ra cơ hội lớn trong việc cải thiện hiệu quả công việc và học tập… 

Ngày 26/12, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII phối hợp cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức sự kiện ABAII Unitour lần thứ 20 tại Trường Đại học Ngoại Thương (FTU) với chủ đề “Blockchain và AI – Trợ lý ảo trong học tập và nghiên cứu”.

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương cho biết: “Tiềm năng của Blockchain và AI là không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ này vào các ngành nghề không chỉ mang tính xu hướng mà thực sự thiết yếu, tạo ra những đột phá trong học tập, nghiên cứu và làm việc thực tiễn. Đây chính là cơ hội để thế hệ trẻ nắm bắt và vươn xa trong kỷ nguyên số”.

PGS.TS. Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương đề cao tính thực tiễn của ứng dụng Blockchain và AI trong học tập và làm việc. PGS.TS. Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương đề cao tính thực tiễn của ứng dụng Blockchain và AI trong học tập và làm việc.

AI đang tác động rõ nét lên thị trường lao động. Theo OpenAI, có 300 triệu việc làm toàn thời gian bị ảnh hưởng do tự động hóa, và 2/3 công việc ở Mỹ sẽ được tự động hóa một phần nhờ vào AI. Còn theo Microsoft, cứ 4 người thì có 3 người đang sử dụng AI tại nơi làm việc và mức sử dụng AI tăng gần gấp đôi trong sáu tháng qua.

Thực tế, các nghiên cứu toàn cầu dự báo rằng AI sẽ tăng năng suất lao động toàn cầu thêm 40% vào năm 2035, mở ra cơ hội lớn trong việc cải thiện hiệu quả công việc và học tập. Chẳng hạn việc sử dụng các công cụ AI như AI Tra cứu Luật – Trợ lý Pháp lý ảo do Viện ABAII phát triển, giúp sinh viên, luật sư và những người làm việc trong lĩnh vực pháp lý dễ dàng tra cứu các văn bản luật và thông tin pháp lý chính xác, nhanh chóng.

Về công cụ AI mới này, nhiều sinh viên ngành Luật cũng bày tỏ mối quan tâm: “Liệu AI có thể thay thế được luật sư, thẩm phán trong tương lại không?”

Giải đáp trăn trở này, TS. Nguyễn Hoàng Mỹ Linh, giảng viên Trường Đại học Ngoại Thương, nhấn mạnh: “AI không thay thế luật sư, nhưng nó sẽ tái định hình cách chúng ta thực hành pháp luật – nhanh hơn, chính xác hơn và minh bạch hơn”. Bà cũng lưu ý rằng sinh viên ngành luật cần tập trung phát triển kỹ năng tư duy phản biện và phân tích để bổ trợ cho công nghệ.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực Blockchain, TS. Nguyễn Trung Thành, Nhà sáng lập Trustkey Network, cho biết Blockchain đang mở ra nhiều tiềm năng trong lĩnh vực tài chính, bảo mật thông tin và giáo dục.

“Blockchain không chỉ thay đổi cách chúng ta lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, mà còn mở ra những cơ hội chưa từng có trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”, TS. Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Các chuyên gia đều khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Blockchain và AI trong việc định hình tương lai của các ngành nghề. Để không bị bỏ lại phía sau, lời khuyên dành cho sinh viên FTU nói riêng và lao động Việt Nam nói chung là cần phải nhanh chóng nắm bắt xu thế, trang bị kiến thức, kỹ năng cho bản thân để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường. Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam kịp thời hội nhập quốc tế, làm chủ công nghệ bằng đội ngũ nhân sự chất lượng cao.