Cụ thể, theo thông tin từ TTXVN, vào ngày 5/9, Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) đã phê chuẩn vaccine phòng COVID-19 đặc hiệu chống biến thể Omicron.
Quyết định này được đưa ra sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 1/9 đồng ý cho phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech và Mordena được điều chỉnh phù hợp để chống dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron. Anh, Mỹ, Canada cũng có động thái tương tự.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết nước này có thể bắt đầu tiêm loại vaccine mới chống biến thể Omicron cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong vòng 10 ngày tới.
Tiếp đó, vào ngày 6/9, Giới chức y tế Mỹ cũng đã phê duyệt vaccine mới cập nhật của Pfizer và Moderna cho chiến dịch tiêm tăng cường cho mùa Thu năm nay. Các loại vaccine này có khả năng chống lại chủng virus ban đầu cũng như các biến thể của Omicron như BA.4 và BA.5 vốn đang chiếm đa số các ca nhiễm mới ở Mỹ.
Theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Xavier Becerra, khoảng 90% người dân Mỹ sẽ được tiếp cận với các loại vaccine mới cập nhật của Moderna và Pfizer vào cuối tuần này và vaccine vẫn sẽ được cung cấp cho người dân miễn phí. Giới chức Mỹ cho rằng, việc tiêm tăng cường Covid-19 nên diễn ra hàng năm giống như tiêm phòng cúm vì điều này sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch qua đó giảm số ca nhập viện và tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, các mô hình dự báo cho thấy việc tiêm tăng cường các loại vaccine mới cập nhật hàng năm có thể giảm tới 100.000 ca nhập viện và 9.000 ca tử vong, đồng thời tiết kiệm được hàng tỷ USD chi phí y tế. Các biến thể BA.5 và BA.4 lần lượt chiếm 88% và 11% số ca nhiễm mới ở Mỹ.
Mai An
theo SHTT